Việc khối ngoại tăng cường mua ròng gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Gần đây, khối ngoại đã quay lại mua ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đáng chú ý từ ngày 22/11, giá trị mua ròng bắt đầu tăng dần, đạt 28 tỷ đồng, 116 tỷ đồng và đỉnh điểm 245 tỷ đồng trong phiên 26/11.
Kinh tế Việt Nam tốt lên
Các chuyên gia nhận định, việc khối ngoại tăng cường mua ròng có thể là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, đặc biệt khi các yếu tố vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng.
Giới đầu tư cũng đặt ra câu hỏi, khối ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam đến từ tình hình kinh tế Việt Nam tốt lên hay do kinh tế thế giới đỡ xấu hơn? Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng, khi chúng ta đầu tư vào thị trường tài chính như cổ phiếu, trái phiếu thì đều mang theo kỳ vọng là kinh tế Việt Nam đang tốt lên, hy vọng đó cũng là tư duy của khối ngoại.
Gần đây ở Việt Nam, các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế đang được đưa ra rất quyết liệt. Điều đó cho thấy chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để có thể có nền tảng vĩ mô tốt hơn.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội, với những vấn đề rất cụ thể đã giao cho Chính phủ xây dựng đề án chương trình hành động để tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó tập trung vào 5 nhóm chính bao gồm: Thứ nhất, củng cố nền tảng vĩ mô. Đây là nhóm giải pháp đầu tiên thể hiện sự quan trọng của ổn định vĩ mô với phát triển của một nền kinh tế, mà điểm số một là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, là phát triển các loại thị trường như phát triển thị trường lao động, tập trung xây dựng nguồn nhân lực có các chỉ số về kinh nghiệm, bằng cấp, năng suất tốt hơn. Cùng với đó là thị trường hàng hóa, có một phần liên quan đến bất động sản là quyền sử dụng đất.
Thứ ba, là phát triển các doanh nghiệp, tái cấu trúc lại các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước và ưu tiên hơn phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt trong gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân cũng có những cấu trúc bên trong, vì vậy, cần có cái sự tái cấu trúc các doanh nghiệp này và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế.
Thứ tư, là phát triển vùng kinh tế trọng điểm, tăng cường liên kết vùng, phân chia để tối ưu nguồn lực địa phương.
Thứ năm, là phát triển ngành như nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp hóa, đổi mới sáng tạo.
Tình hình thế giới chưa đỡ xấu
Đối với góc nhìn về thế giới, theo ông Tuấn phân tích, sáng ngày 27/11, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã được công bố, trong đó các quan chức ủng hộ tiếp tục cắt giảm lãi suất nhưng lại “lặng thinh” về quyết định của tháng sau.
“Thực tế, tháng 12 tới sẽ là một tháng có khoảng trống về quyền lực ở một quốc gia đang có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới trong việc chuyển giao giữa ông Donald Trump với người tiền nhiệm. Theo tôi đó có thể là một yếu tố khá tiêu cực, vì vậy nhà đầu tư cần phải chú ý đến lãi suất của Fed trong tháng 12.
Thế giới cũng quan sát liệu Mỹ có hạ lãi suất hay không, nếu Mỹ hạ lãi suất thì sẽ khá tích cực do gần đây thị trường của chúng ta đang chịu sức ép lớn của đồng đô la Mỹ. Nếu Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất thì sẽ vẫn tiêu cực, nhưng cũng đỡ xấu đi vì các vấn đề về xung đột địa chính trị gần đây đã được cải thiện”, ông Tuấn cho biết.
Nhận định của Fed về tình hình kinh tế Mỹ là kinh tế Mỹ vẫn khỏe. Thị trường lao động ổn định, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ nhưng ở mức thấp và lạm phát đang tiến về 2% nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể chỉ số PMI dịch vụ vẫn trên mức 50 điểm, tỉ lệ thất nghiệp không tăng, đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm nhẹ, CPI tăng nhẹ trong tháng 10 nhưng vẫn được kiểm soát và PCE giảm trong tháng 8 và tháng 9.
Vị CEO AFA Capital dự báo, dựa trên các thông số trên, trong tháng 12 này là khả năng cao Fed sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất. Do đó,áp lực về tỷ giá và lãi suất của Việt Nam còn rất cao.
“Chúng ta đều thấy mặc dù Mỹ có giảm lãi suất nhưng vẫn là cao nhất trong khi các quốc gia khác đã giảm nhanh hơn và đều ở dưới Mỹ. Chính vì vậy, kỳ vọng của chúng ta về tình thế giới là thế giới vẫn không đỡ xấu đi. Một điểm nữa là sức ép của tỷ giá từ thế giới vẫn giữ nguyên, đặc biệt khi chỉ số DXY đang nằm quanh mốc 106-107 điểm. Đây là những vấn đề mà nhà đầu tư khi tham gia thị trường tài chính cần quan sát và nắm rõ”, ông Tuấn khuyến nghị.