Công nghệ

Khơi nguồn lực khoa học công nghệ

Gia Nguyễn 19/08/2024 11:15

Để thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đồng bộ, lành mạnh và hiệu quả cần rà soát tổng thể lại các chính sách, đặc biệt, cần sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý mới.

dmst.jpg
Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46 trong tổng số 132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận. Đa số các doanh nghiệp khoa học công nghệ đang sản xuất tốt, tạo ra việc làm và đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực thúc đẩy phát triển cho thị trường này vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến những kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Thực tế, Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể Chỉ số đổi mới sáng tạo có 5 nhóm trụ cột đầu vào và 2 nhóm trụ cột đầu ra trong đó có trình độ phát triển thị trường – đây là Chỉ số được đo lường qua các chỉ số thành phần như: tín dụng, đầu tư, thương mại hóa và quy mô thị trường thì Việt Nam đang có mức giảm so với những năm trước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu được cho xuất phát từ “điểm nghẽn” pháp lý khiến kết quả nghiên cứu khó đưa vào thực tiễn. Cụ thể, Luật Khoa học và Công nghệ cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả.

Điều này dẫn đến khi đăng ký nhiệm vụ, các nhà khoa học không dám đăng ký nội dung mới, chủ yếu làm nội dung mức an toàn cho nên không có tính mới và không đưa được vào cuộc sống. Bên cạnh đó, kết quả khoa học công nghệ cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm, mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm, chưa thực sự đầy đủ.

Ngoài ra, sự tách biệt giữa khối nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh cũng được cho là một trong những nguyên nhân, khi Luật Khoa học và Công nghệ đã nêu về vấn đề đặt hàng nghiên cứu, song việc đặt hàng phải từ doanh nghiệp hay gắn kết với trường đại học và doanh nghiệp phải thông qua hoạt động trao đổi cán bộ. Trong khi hiện nay hành lang trao đổi cán bộ chưa thuận lợi, chưa là hoạt động bắt buộc đối với giảng viên, nhà nghiên cứu…

Không chỉ có vậy, những vướng mắc, hạn chế khiến thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển như kỳ vọng cũng xuất phát từ nguồn lực của các quỹ về khoa học và công nghệ như: Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia, Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp chưa được khai thác, phát huy tối đa hiệu quả.

Vì vậy, để có thể giải quyết được những bất cập, tồn tại khơi thông nguồn lực cho thị trường này, không ít ý kiến cho hay, cần sớm xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Trong đó, Luật sửa đổi cần phải hướng tới hình thành thị trường khoa học công nghệ mới tạo thuận lợi để chuyển giao kết quả nghiên cứu; thúc đẩy sản xuất thử nghiệm trong doanh nghiệp, phân tích thị trường để đưa ra sản phẩm cuối cùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi nguồn lực khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO