Chính trị - Xã hội

Khôi phục sản xuất chăn nuôi và thuỷ sản sau thiên tai

Bùi Hiền - Hải Ngân 29/09/2024 02:32

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng hơn 160 tỷ đồng, hỗ trợ cho phục hồi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau thiên tai.

Vừa qua, tại TP Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) đã tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ hồi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sau bão số 3.

Điêu đứng trước thiên tai

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta đã gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

Chỉ riêng nông nghiệp, đã có 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại. Hơn 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, khoảng 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại, 189.982 ha rừng bị thiệt hại, 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết.

ho-tro-160-ty-dong.png
Toàn cảnh Hội nghị

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN cho biết: “Theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 6.180 tỷ đồng”.

Ông Ngô Hùng Dũng – Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển và nhiều năm nuôi trồng thủy sản, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn bão khủng khiếp như thế này. Công ty có 2 đơn vị nuôi trồng thủy sản nhưng sau bão, toàn bộ hệ thống nuôi biển của công ty, với khoảng 4.000 tấn hàu đến độ thu hoạch đã bị trôi mất hoàn toàn, không thể thu hồi”.

Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Khảo sát tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 cho thấy, nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường và hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá hủy, khiến không thể cung cấp điện kịp thời”.

Ngay sau bão, từ ngày 10-16/9/2024, Cục Chăn nuôi đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục tại 07 tỉnh thiệt hại như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Bộ NN&PTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chủ động khôi phục sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Đồng thời, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão. Bên cạnh đó, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão.

“Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số số 2 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi”. - Ông Phạm Kim Đăng chia sẻ.

ho-tro-tien-khac-phuc-sau-bao-nganh-thuy-san.png
Các doanh nghiệp ủng hộ hỗ trợ khôi phục sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản

Tới nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản đề nghị hỗ trợ hóa chất nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh động vật sau bão số 3 gồm có: Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Phòng. Cục Thú y đã rà soát hồ sơ đề nghị, cân đối lượng tồn kho trình Bộ NN&PTNN ban hành Quyết định xuất cấp dự trực quốc gia hỗ trợ địa phương.

Ông Ngô Hùng Dũng nhấn mạnh: Việc làm đầu tiên cần làm là ổn định việc làm cho lao động của công ty. Hiện tại đang là mùa chính thu, sắp vào mùa đông, nên sự phát triển của tôm và cá chậm hơn so với vụ xuân - hè. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tranh thủ thời gian, rất dễ bị lỡ vụ, để càng lâu càng thêm rủi ro.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Để khôi phục lại sản xuất, ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 100 phân công các bộ ngành phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3, tiếp tục kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế hoãn, giãn nợ… cho các doanh nghiệp, người dân”.

Tại hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản đã trao tặng hỗ trợ cho người dân thiệt hại do bão số 3 thông qua Bộ NN&PTNN bằng tiền mặt, thức ăn, con giống, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, phao và các vật tư khác với tổng trị giá hơn 160 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thủy sản hơn 90 tỷ đồng, lĩnh vực chăn nuôi hơn 70 tỷ đồng. Dù số tiền không lớn so với thiệt hại nhưng đây là sự chia sẻ quý giá, là nguồn kinh phí tự nguyện, thể hiện quyết tâm cao độ của các doanh nghiệp với người dân.

Sau bão, cần tổ chức thực hiện để có sản phẩm, đây là yếu tố quyết định để phục hồi sau bão lũ. Thời gian không còn dài, cần chuẩn bị kĩ con giống, phương án chăn nuôi Người chăn nuôi cần tổ chức tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Người dân cũng nên tranh thủ thời gian để mua vật tư, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn cần đa dạng hóa các đối tượng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân.

“Khó nào cũng phải vượt qua, để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ được giao. Nông nghiệp có 3 yếu tố ảnh hưởng là dịch bệnh, mùa vụ và thị trường. Do đó, chúng ta cần đa dạng hóa các đối tượng, phải có quy trình, tập huấn, hướng dẫn. Chúng tai sẽ không ai để lại phía sau, đem lại cuộc sống ổn định, bình thường hóa lại các hoạt động. Tiến tới ổn định phát triển, phồn vinh thịnh vượng”, - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khôi phục sản xuất chăn nuôi và thuỷ sản sau thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO