Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại New Zealand được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ New Zealand vào Việt Nam một cách mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dòng vốn dưới 1 triệu USD
Hiện nay, New Zealand đang là nhà đầu tư lớn thứ 46 trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tới Việt Nam, với tổng số 30 dự án tương đương tổng giá trị đạt khoảng 106 triệu USD.
Trong tháng 2 vừa qua, New Zealand đã có một dự án đầu tư mới với trị giá 200 nghìn USD và 1 lượt góp vốn mua cổ phẩn trị giá khoảng 490 nghìn USD. Những con số này cho thấy dòng vốn đầu tư của New Zealand vào Việt Nam vẫn còn hạn chế, với những dự án quy mô nhỏ. Theo chủ trương của chính sách thu hút FDI mới được công bố cuối năm vừa qua, Việt Nam sẽ thúc đẩy thu hút các dự án có chất lượng cao và quy mô lớn. Với lợi thế và truyền thống hợp tác, New Zealand hoàn toàn có thể bứt phá trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.
Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị New Zealand tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực New Zealand có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khai khoáng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, tài chính.
Thuận lợi để thu hút đầu tư
Nhắc đến lợi thế trong hoạt động đầu tư giữa Việt Nam - New Zealand phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào ngày 8/3 vừa qua. Hiệp định được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư của các nước thành viên, trong đó có New Zealand vào Việt Nam. Theo đó, mặc dù chưa có những con số thống kê cụ thể, song các chuyên gia dự báo, sau khi hiệp định này được ký kết, Việt Nam sẽ tăng thu hút đầu tư ở mọi lĩnh vực.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, “CPTTP tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, nên tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư”.
Ngoài ra, cũng phải kể đến, Hiệp định AANZFTA được ký ngày 27/2/2009 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và New ZeaLand. Hiện nay, ASEAN đang là đối tác thương mại lớn thứ 5 sau Australia, Trung Quốc, EU và Mỹ. Đồng thời ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của New Zealand với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,6 tỷ NZD trong năm tài khoá đến hết quý I năm 2017.
Trên diễn đàn đa phương, Việt Nam và New Zealand cùng tham gia Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và hai nước đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện. Nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương cho thấy lợi thế về tiềm năng quan hệ kinh tế hai nước còn rất lớn và ngoài ra, đã có đường bay thẳng từ Auckland tới thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa hai quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính để thu hút hơn nữa nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có New Zealand vào Việt Nam.
Mới đây nhất phải kể đến kết quả khảo sát Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho kết quả, 70% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát hoạt động kinh doanh năm 2017 được công bố mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho thấy 65% doanh nghiệp hài lòng về môi trường đầu tư kinh doanh và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh các xung lực là các hiệp định FTA đa phương và song phương thì môi trường kinh doanh Việt Nam được đánh giá cao sẽ là những điểm thu hút doanh nghiệp New Zealand đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức nước này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Cơ hội đã mở ra
Đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, hai doanh nghiệp sữa của New Zealand đã bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lukas Paravicini, Giám đốc điều hành Tập đoàn Fonterra, khẳng định: “Fonterra rất coi trọng thị trường Việt Nam. Fonterra cam kết sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp nội địa với mong muốn không ngừng mở rộng các hoạt động, đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”.
Được biết Fonterra có quan hệ hợp tác với nhiều công ty sữa Việt Nam trong hoạt động cung cấp các loại nguyên liệu cho các công ty sữa, đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng.
Ngoài ra, đánh giá cao tiềm năng của nhiều doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam Giám đốc Công ty Deosan cho biết đã làm việc với các hộ nông dân trong lĩnh vực chế biến, sản xuất sữa và đang tích cực nghiên cứu thị trường và xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh sữa tại Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian tới, Deosan dự định sẽ hỗ trợ các trang trại của Việt Nam bằng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, tập trung vào thiết bị vắt sữa và hàng tiêu dùng cũng như cung cấp gia súc, dịch vụ thú y, thiết kế trang trại và quản lý cũng như các hệ thống quản lý chất lượng.