Công nghiệp y dược tại Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút vốn FDI nhưng thực tế, giá trị đầu tư vào ngành còn quá khiêm tốn.
Thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của nhiều tập đoàn y dược hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, ở lĩnh vực này hiện có 159 dự án đầu tư với giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD. Trong khi Việt Nam thu hút được hơn 40.000 dự án đầu tư nước ngoài thì đầu tư vào ngành dược còn khá khiêm tốn.
Xét về lãnh thổ và quốc gia, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dược tập trung tại Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các trung tâm y tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu gần như không có.
Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thông tin thêm, tại Việt Nam, các dự án đầu tư vào ngành dược chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cho thấy điều kiện kinh tế xã hội tốt tác động tới đầu tư nước ngoài vào ngành Y tế. Ngoài ra, hiện nay đang ghi nhận xu hướng đầu tư tổ hợp khu công nghiệp tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào ngành.
Ông Darrell Oh - Chủ tịch Pharma group cũng nhấn mạnh đến tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI khi thị trường nội địa có quy mô lớn, đang phát triển; sự ổn định về chính trị và hệ thống xã hội, kinh tế. Việt Nam đang tham gia tích cực hội nhập với 16 hiệp định thương mại tự do với các khu vực kinh tế lớn là ưu thế.
Thế nhưng, cũng như những nhận định trước đó, Việt Nam chưa hoàn toàn tận dụng được hết năng lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các nước trong khu vực với các chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như không ngừng cải thiện các quy định, ông Darrell Oh cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng gia tăng nỗ lực trong thu hút FDI và đổi mới sáng tạo.
Nguồn lực quốc tế, theo Chủ tịch Pharma group không chỉ giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam mà còn có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện, nhiều quốc gia cũng đang sửa đổi các chính sách về dược để tăng cường đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư nước ngoài, ông Darrell Oh đề cập 3 yếu tố chính mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
Thứ nhất, có chiến lược rõ ràng, tập trung cụ thể vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ giá trị cao.
Thứ hai, đơn giản hoá thủ tục thông qua các chính sách và thu hút đầu tư.
Thứ ba, thể chế cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia và sự phối hợp các bộ ngành trước khối lượng công việc lớn.