Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Nghị định này có nhiều bất cập, tính khả thi thấp, trong khi rủi ro rất cao, mà đối tượng tham gia lại rất rộng, lên tới 44 triệu người theo tờ trình.
Tiếp theo chương trình phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc tờ trình của Chính phủ về việc xem xét, cho ý kiến đối với việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
“Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Dũng cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN) cũng đang cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên của Hội mình. Hiện nay, Hội LHPN cung cấp bảo hiểm vi mô tại 10 tỉnh, thành phố.
Nhấn mạnh việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm vi mô là cần thiết ông Dũng khẳng định: “Nghị định sẽ tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý bền vững, mở rộng việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sau thời gian thực hiện thí điểm. Đồng thời sẽ tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội”.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Nghị định này có nhiều bất cập, tính khả thi thấp, trong khi rủi ro rất cao, mà đối tượng tham gia lại rất rộng, lên tới 44 triệu người theo tờ trình. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa ban hành Nghị định vì thiếu cơ sở pháp lý, không phải vấn đề cấp thiết và cũng chưa thực sự cần thiết.
“Nghị định này có nhiều bất cập, tính khả thi thấp, trong khi rủi ro rất cao, mà đối tượng tham gia lại rất rộng, lên tới 44 triệu người theo tờ trình”, bà Ngân nói.
Thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có hai loại ý kiến khác nhau khi đề cập đến sự cần thiết ban hành Nghị định này. Tuy nhiên, Thường trực ủy ban đồng tình với loại ý kiến cho rằng, chưa cần thiết phải ban hành Nghị định. Bởi trong các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta mới chỉ có Hội LHPN thực hiện thí điểm, các tổ chức chính trị - xã hội khác chưa thực hiện nên không có đánh giá cụ thể về các điều kiện bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Nghị định.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn nhiều điều, khoản quy định sơ sài, chưa có tính thuyết phục, chưa đủ cơ sở pháp lý để bảo đảm thực hiện có hiệu quả như: vấn đề tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện, thẩm định hợp đồng bảo hiểm vi mô, tài chính đối với bảo hiểm vi mô…
Cùng với đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, chủ thể thực hiện như quy định của dự thảo Nghị định là rất rộng, không dựa trên cơ sở kết quả thí điểm và rất khác với thực hiện thí điểm.
“Việc các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào hoạt động bảo hiểm thương mại cần cân nhắc sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng không có nguồn lực tài chính ban đầu, bộ máy chuyên nghiệp để thực hiện”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra kiến nghị trước mắt, chưa nên ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô như Chính phủ đề xuất. Đồng thời tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải bảo đảm thủ tục pháp lý và hình thức văn bản cho phép thí điểm; có công cụ, phương thức để quản lý, thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ tổ chức chính trị - xã hội khi triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô…
Trước đó, chiều 6/7, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không có quy định về sản phẩm hay nghiệp vụ bảo hiểm vi mô. Đồng thời cũng chưa có quy định riêng đối với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô. Đến nay, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm có đặc điểm giống sản phẩm bảo hiểm vi mô. Tuy nhiên, do vướng mắc trên, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối như đối với các sản phẩm thương mại thông thường. Vì thế, việc triển khai trong thời gian qua không đạt được hiệu quả, số người tham gia ít, doanh thu phí bảo hiểm thấp, doanh nghiệp bảo hiểm không muốn triển khai bảo hiểm vi mô. Về bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp triển khai, từ năm 2014, Chính phủ đã cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thí điểm để cung cấp quyền lợi bảo hiểm cho các thành viên của mình. Số lượng hội viên tham gia bảo hiểm vi mô đến 2019 là 161.254 người, tăng hơn 90.000 khách hàng so với cuối năm 2016. Doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 4,71 tỷ đồng (năm 2016) lên 14,4 tỷ đồng (năm 2019). Về chi trả quyền lợi bảo hiểm thì từ năm 2016 đến năm 2019, Hội đã chi trả cho 296 trường hợp với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Chính phủ đánh giá, việc triển khai bảo hiểm vi mô của Hội đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp nhằm góp phần vào chủ trương an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước và nhận được sự ủng hộ về ý nghĩa nhân văn của loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên không đảm bảo cơ sở pháp luật để thực hiện lâu dài. Theo Chính phủ, để đảm bảo tính bền vững cho việc triển khai bảo hiểm vi mô, cần phải bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô vào Luật Kinh doanh bảo hiểm, tương tự như quy định về tài chính vi mô trong Luật các tổ chức tín dụng và có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để thúc đẩy loại hình này phát triển. |