Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trước một số ý kiến cho rằng Quảng Ninh hiện đang ứng xử không bình đẳng giữa tập đoàn lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Ông có thể cung cấp cho bạn đọc một vài số liệu quan trọng về sự phát triểnkinh tế, xã hội của Quảng Ninh năm 2018, thưa ông ?
Năm 2018, cả 11/11 chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 11,1%, vượt 0,9% kế hoạch, tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước và cao nhất so với cùng kỳ 6 năm trở lại đây. Quy mô nền kinh tế tăng 12,6%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.110 USD, tăng 11,2%.
- Còn kết quả cụ thể của việc thu hút đầu tư vào Quảng Ninh năm 2018 ?
Trong năm 2018, Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự đồng bộ trong hạ tầng cơ sở, nhất là triển khai giải quyết triệt để “nút nghẽn” trong hạ tầng giao thông. Tỉnh đã ngày càng phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt từ khu vực tư nhân với sự hiện diện của các công trình, dự án động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh.
Nhiều dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng đã hoàn thành và đưa vào vận hành như: hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật KKT Vân Đồn, KCN Hải Hà, Đầm Nhà Mạc, Việt Hưng, Cảng Nam Tiền Phong, nhà thi đấu 5.000 chỗ... Cùng với đó, các dự án vốn đầu tư công hoàn thành, như: Cung văn hóa thanh thiếu nhi, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ... Năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7%; cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 50 dự án, tổng mức đăng ký đầu tư 23.618 tỷ đồng, tăng 71% cùng kỳ, trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án trong nước với số vốn đăng ký 554,53 triệu USD, tăng 56,4% cùng kỳ. Điển hình là cấp và khởi công dự án đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN Sông khoai...của Tập đoàn Amata... Dấu hiệu tích cực là tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án đầu tư ngày càng tăng, tốc độ xây dựng và hoàn thiện đưa vào sử dụng đạt tiến độ đề ra.
Bên cạnh những dự án động lực về hạ tầng giao thông, có sự chuyển dịch, dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 56.000 tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm đã hình thành, tạo sự khác biệt và thương hiệu cho Quảng Ninh, như: Trung tâm nghỉ dưỡng Lễ hội Khu di tích danh thắng Yên Tử; Công viên Sun World Hạ Long; Cáp treo Nữ Hoàng; khu du lịch tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, TX Đông Triều; Trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí Vincom center Hạ Long; khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long, khu du lịch đảo Tuần Châu, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long...
Điển hình là thành phố Hạ Long, trong vòng 3 năm trở lại đây có 29 dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác chỉnh trang và giải quyết tốt những tồn tại bất cập của đô thị trong thời gian dài, nổi bật là các dự án: Tuyến đường 10 làn xe từ nút Minh Khai đến đường Hoàng Quốc Việt, đang triển khai nâng cấp tuyến 8 làn xe từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Bãi Cháy; Hạ ngầm đường điện, viễn thông và lắp đặt chiếu sáng đô thị; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực ven hồ điều hoà Ao Cá Kênh Đồng, Bãi Cháy; mở rộng, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo, nút giao thông Loong Toòng, QL18A; cải tạo chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ...Hạ tầng các Khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, như: Khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà, Cái Lân, Amata, Sông Khoai, Khu phụ trợ ô tô Thành Công…
Đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được vốn đầu tư từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. Trong đó Mỹ giữ vị trí đứng đầu với số vốn đăng ký 2,313 tỷ USD với 6 dự án, chiếm gần 37,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Canada, Hàn Quốc...Quảng ninh cũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ khu vực tư nhân trong nước với sự hiện diện của những nhà đầu tư, tập đoàn tư nhân lớn và giải ngân vốn đầu tư nhanh chóng tại Quảng Ninh, góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển hơn.
- Năm 2018, Quảng Ninh đã làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng về tỉnh và bảo vệ ngôi vương PCI, thưa ông?
Tỉnh đã tiếp tục chủ động và quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được đánh giá là một trong những địa phương điển hình trong triển khai tích cực Nghị quyết 19 của Chính Phủ gắn với bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh PCI với nhiều giải pháp bứt phá, hiệu quả, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm chính.
Quảng Ninh tập trung triển khai hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược, ưu tiên dành nguồn lực xây dựng và thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, mạnh dạn áp dụng những cách làm mới. Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong triển khai đầu tư theo hình thức PPP. Sau nhiều nỗ lực cải cách hành chính và kêu gọi đầu tư, cùng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, đến nay chuỗi các công trình giao thông mang tính động lực, trong kết nối vùng và quốc tế đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Hệ thống hạ tầng khu công nghiệp như Khu công nghiệp Sông Khoai, KCN Nam Tiền phong… đang được đẩy nhanh triển khai, hạ tầng cụm công nghiệp tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được quan tâm xây dựng với những chính sách hỗ trợ đồng bộ…
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hạ tầng mềm đạt chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân như: bệnh viện quốc tế Vinmec, trường quốc tế Kinderworld (Singapore), các trung tâm mua sắm bán lẻ Vincom, các công trình điểm nhấn thu hút khách du lịch như khu công viên Sunworld, khu di tích danh thắng Yên Tử, Cung Quy hoạch và Hội chợ triển lãm tỉnh….Cùng với đó, tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều dự án lớn mang tầm quốc tế của các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Sun Group, Vin Group, FLC... theo các quy hoạch chiến lược lập bởi các tập đoàn tư vấn quốc tế như McKinsey, BCG của Mỹ; Nikken Sekkei, Nippon Koei của Nhật Bản...
Cùng với đó, tỉnh cũng ưu tiên có cơ chế ưu đãi để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng trường học, lưới điện nông thôn, miền núi, hải đảo, tỉnh đã linh hoạt dành nguồn ngân sách bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng để Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư kết cấu hạ tầng điện lưới quốc gia đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao hiệu quả trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, kết nối một cửa điện tử hiện đại cấp xã. Đã vận hành đồng bộ Trung tâm hành chính công (HCC) tỉnh, cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã, góp phần phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương và thuận tiện trong nghiên cứu, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh xuống cơ sở một cách nhanh nhất... Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, duy trì liên tiếp giữ vị trí nhóm đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX) trong 03 năm gần đây. Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số CCHC (PAR INDEX). Điểm nhấn trong năm 2018, Quảng Ninh là địa phương duy nhất của Việt Nam được vinh danh, đón nhận giải thưởng ASOCIO công nhận về Chính quyền số.
Đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực chất lượng cao phục vụ doanh nghiệp, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực đào tạo và hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, đáp ứng chuyển dịch kinh tế tăng nhanh dịch vụ. Quảng Ninh là một trong những tỉnh/thành tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và linh hoạt thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 (Nghị quyết TW6) của Đảng và Đề án 25... và từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đội ngũ CBCC có sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách làm việc,năng lực, trình độ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp ...
Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm thường xuyên, đi vào thực chất và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp sở, ban, ngành và địa phương một cách chủ động, tích cực với đa dạng hình thức như: gặp mặt đối thoại doanh nghiệp, đối thoại mở qua các phiên “Café doanh nhân”, chủ động mở kênh sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp và năm 2018 tiếp tục nhận được sự chủ động đăng ký tham gia của các sở, ngành và địa phương, mở các chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp…; tạo được không khí cở mở, gần gũi và đồng hành cùng doanh nghiệp một cách hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cũng là một trong những địa phương trong nhóm đi đầu triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), đến nay là năm thứ 3 chính thức triển khai DDCI, Quảng Ninh đã tạo được sự thay đổi tích cực về chất lượng điều hành từ cấp cơ sở một cách rõ nét và khác biệt hơn trước, tác động thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Quảng Ninh có sự đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa? Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
Về quan điểm thống nhất, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh sẵn sàng và luôn thiện chí với nhà đầu tư có tiềm lực, có quyết tâm đầu tư không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước với mục tiêu phát triển bền vững, trên cơ sở phải đảm bảo phù hợp quy hoạch chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nhằm tiếp tục tạo ra các công trình, sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại và có tính khác biệt gắn với thương hiệu hình ảnh của Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong hai năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai và ưu đãi vào cụm CN, năm 2018 đã quan tâm và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc triển khai khảo sát DDCI cũng là mục tiêu hướng tới lắng nghe ý kiến của khối doanh nghiệp này với tinh thần cầu thị nhằm đưa ra những điều chỉnh, cải thiện kịp thời. Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn triển khai các dự án lớn, động lực, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, từ đó nó cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thêm nhiều hoạt động kinh doanh mới: do tính chất đặc thù, các dự án lớn triển khai liên quan đến nhiều thủ tục, nhiều cấp khác nhau và thường có mức độ phức tạp về thủ tục vì vậy, để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cho các dự án này, tỉnh có thể thành lập các tổ công tác liên ngành để có những hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, hỗ trợ để các dự án lớn nhanh chóng triển khai trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, song song với việc hỗ trợ, bám sát các dự án lớn, Quảng Ninh cũng luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ hơn. Theo tôi, chặng đường cải cách, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ cần thời gian, sự chung tay vào cuộc của cả hai phía: chính quyền và doanh nghiệp với tinh thần đồng hành, chia sẻ, trách nhiệm cùng hướng tới mục đích chung vì sự phát triển bền vững của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm