Không đầu tư dàn trải chương trình phát triển văn hoá

NGUYỄN VIỆT 19/06/2024 01:16

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không nên đầu tư dàn trải mà tập trung trọng tâm vào 3 nội dung di tích, di sản, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa.

>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Trước đó, phát biểu thảo luận tại Tổ về nội dung này Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần kiểm tra, rà soát thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có chồng chéo với các Chương trình khác hay không? Đặc biệt, phải đảm bảo không thay đổi các nhiệm vụ văn hóa thường xuyên.

“Cần xem xét đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng chương trình cho phù hợp, đồng thời lưu ý không lặp lại các khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh tình trạng mỗi bộ ngành có cách làm khác nhau thì phải sửa đổi liên tục, hoặc viện dẫn không đúng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Cho rằng Chương trình không nên đầu tư dàn trải mà tập trung trọng tâm vào 3 nội dung: di tích, di sản; thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nên chọn các dự án trọng điểm đầu tư vào 3 nội dung này nhằm tạo bước đột phá về phát triển văn hóa. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm đối với 3 nội dung này.

Quan tâm đến đối tượng thụ hưởng của Chương trình, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị cần rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát hơn, đặc biệt làm rõ cơ sở pháp lý của đối tượng thụ hưởng.

Theo đại biểu, hiện đối tượng thụ hưởng còn quy định chung chung, không rõ như người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… Một số đối tượng chưa rõ về căn cứ pháp lý, như không gian văn hóa sáng tạo, không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng…Đại biểu băn khoăn không rõ tiêu chí để xây dựng các loại không gian này là gì? Do đó, cần quy định rõ các đối tượng thụ hưởng để cơ sở có căn cứ thực hiện, áp dụng.

>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

>>Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Về mục tiêu của Chương trình, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cần làm rõ hơn các căn cứ để xác định các chỉ tiêu, cần có sự đánh giá thực trạng đã thực hiện như thế nào, đạt tỉ lệ phần trăm như thế nào để đạt chỉ tiêu. Hiện chưa có cơ sở và đánh giá thực trạng này, vì vậy đại biểu đề nghị cần có cơ sở để đưa ra các chỉ tiêu đó.

Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu còn chung chung, đại biểu đề nghị cần có các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để quá trình thực hiện ở cơ sở dễ dàng hơn. Đồng thời đề nghị làm rõ một số tiêu chí để đánh giá, như làm rõ thế nào là công trình văn hóa tiêu biểu, đậm nét giá trị văn hóa của thành phố cấp châu lục và quốc tế?

Thế nào là trường đại học, viện nghiên cứu ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thế nào là sự kiện văn hóa tầm quốc tế… Nếu quy định chung chung như vậy thì sẽ rất khó trong quá trình thực hiện.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận thấy nội dung thành phần của Chương trình còn dàn trải, nhiều nội dung còn chung chung, khó đánh giá, có sự trùng lặp giữa Chương trình này với các dự án, chương trình khác.

Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nên tập trung, tích hợp 3 nội dung chính của Chương trình, gồm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa.

Đối với nội dung xây dựng các thiết chế văn hóa, đại biểu đề nghị nên bố trí, dành các nguồn lực lớn để xây dựng các thiết chế giáo dục, xây dựng đủ trường học, lớp học để các em có điều kiện học tập nhằm phát triển văn hóa, nâng cao nhận thức, phát huy tốt hơn các giá trị về văn hóa.

Thống nhất với báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, vì có một số nội dung còn dàn trải, chưa thiết thực.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

    16:15, 08/06/2024

  • Sáng nay, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn Quốc hội

    02:30, 05/06/2024

  • Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

    02:30, 30/05/2024

  • Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt

    16:02, 29/05/2024

  • Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm

    09:40, 29/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không đầu tư dàn trải chương trình phát triển văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO