Không để COVID-19 quay trở lại

AN NHIÊN 01/02/2024 03:30

Người dân cần tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19, khi dịch đang có xu hướng quay trở lại tại một số nước trên Thế giới và đã xuất hiện tại Việt Nam.

>>Chuyển Covid-19 sang nhóm B: Người dân cần chú ý những thay đổi gì?

Theo số liệu giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1/2024, các bệnh viện của thành phố tiếp nhận 94 ca Covid-19 điều trị nội trú đến từ TP.HCM và một số tỉnh thành khác. Trong đó, có 17 ca bệnh nặng phải thở ô xy, không có ca tử vong do Covid-19. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm chủng đủ các mũi vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện giải mã trình tự gien từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tháng 12/2023. Kết quả có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ JN.1 của chủng Omicron, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca nhiễm biến thể BA.2.86.1 và 1 ca nhiễm biến thể XDD.

Nguy cơ bùng phát dịch trở lại là hiện hữu. Ảnh: Hải Ngân

Tiêm vaccine là một trong những cách phòng chống COVID-19 hiệu quả. Ảnh: Hải Ngân

Theo Sở Y tế TP HCM, biến thể phụ JN.1 cũng đã xuất hiện tại TP.HCM sau khi Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) báo cáo đây là biến thể đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12/2023. Biến thể phụ JN.1 được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm" từ ngày 18/12/2023 vì biến thể này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Hiện, WHO đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1", Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm.

Với kết quả giám sát mới trong tháng 12/2023 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã phát hiện tại TP.HCM.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, gần nhất là biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu (Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron).

WHO cho biết, trong tháng 12/2023 ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% và số ca nhập viện cấp cứu tăng 62% so với tháng 11 (báo cáo chưa đầy đủ của 50 quốc gia, chủ yếu ở Châu Âu và Châu Mỹ). Ngoài ra, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác cũng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, ví dụ: bệnh Nipah tại Ấn Độ, cúm A/H5N1 tại Campuchia, cúm H1N2 tại Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông.

Virus SARS-CoV-2 liên tục tạo ra các biến thể mới và mới nhất là JN.1. Theo phân loại của WHO, JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm. Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus - bao gồm mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của vắc-xin đối với virus - cùng việc chẩn đoán, điều trị và các biện pháp xã hội, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù JN.1 đang là biến thể được báo cáo nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể khác của SARS-CoV-2. Dẫu vậy, số ca mắc COVID-19 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung vẫn được dự báo gia tăng trong thời gian tới. Ở những quốc gia đang vào mùa đông, trường hợp phải nhập viện có thể tăng.

>>Gia tăng vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch Covid-19

Tại Việt Nam, TS-BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thông tin, tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 đã ghi nhận 419 ca mắc COVID-19, nhập viện rải rác ở 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng gấp 2,4 lần so với 2 tuần trước đó; số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng; hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

Theo TS-BS Hoàng Minh Đức, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát. Việc các quốc gia ghi nhận ca mắc tăng là bình thường vì dịch chưa hết hẳn. Những ca mắc COVID-19 tại các nước chủ yếu ở mức độ nhẹ, nhiễm chủng Omicron, chưa ghi nhận sự bất thường. Ở nước ta, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B - theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, được giám sát như các bệnh cúm mùa thông thường khác. Tuy nhiên, nước ta đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường nên dễ dẫn đến xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

“Để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm tập trung đông người... Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”. - TS-BS Hoàng Minh Đức nói.

Để COVID-19 "hết đường sống" tại Việt Nam, sau khi WHO cảnh báo tình trạng dịch COVID-19 lây lan trở lại, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ biến thể của virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải xây dựng kế hoạch các hoạt động phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán bao gồm thành lập các Đội phòng, chống dịch khẩn cấp, tổ chức và phân công trực chống dịch, chỉ đạo các các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các địa phương tổ chức trực chống dịch... Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp; cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.

Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus. Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.

Đồng thời, bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thân nhân tạo...).

Chúng ta đã đi qua những năm tháng không thể nào quên khi chiến đấu với dịch bệnh COVID-19. Dù đã trở lại cuộc sống bình thường một thời gian dài, nhưng sự ám ảnh và tác hại của COVID-19 vẫn còn, khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi.

Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn giao mùa Đông – Xuân, nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường, độ ẩm cao là điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như Cúm mùa, sởi, thủy đậu, quai bị, COVID-19.

Đây cũng là thời điểm cuối năm, Tết Nguyên Đán đang cận kề nên nhu cầu giao thương, đi lại tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và người cao tuổi có bệnh lý nền là đối tượng rất dễ mắc bệnh.

Do đó, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19, khi dịch đang có xu hướng quay trở lại tại một số nước trên Thế giới và đã xuất hiện tại Việt Nam. Ở giai đoạn mới này ngay khi dấu hiệu COVID-19 vừa xuất hiện, hơn ai hết mỗi người dân chúng ta phải biết tự bảo vệ mình, phải thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành Y tế. Nếu làm được như vậy, tin rằng COVID-19 sẽ “hết đường sống” tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Gia tăng vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch Covid-19

    14:20, 04/11/2023

  • Xây khu cách ly điều trị Covid-19 hiện nay, chính quyền ở Nghệ An nói gì?

    14:56, 30/10/2023

  • Chuyển Covid-19 sang nhóm B: Người dân cần chú ý những thay đổi gì?

    00:00, 23/10/2023

  • Chuyển Covid-19 sang nhóm B: Người dân cần chú ý những thay đổi gì?

    23:22, 22/10/2023

  • Chuyển COVID-19 sang nhóm B: Kế hoạch tiêm và chi phí tiêm vaccine thay đổi ra sao?

    20:56, 20/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để COVID-19 quay trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO