Không phải doanh nghiệp nào cũng tăng tuổi nghỉ hưu

Nguyễn Việt 29/05/2019 14:30

Người lao động có quyền được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi trong 3 trường hợp: suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại sớm hơn 5 tuổi.

Bộ trưởng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phân biệt tuổi nghề và tuổi hưu. Tuổi nghỉ hưu là đủ điều kiện để hưởng BHXH, còn với tuổi nghề thì khác, có nghề làm ngắn, có nghề làm dài

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với báo chí về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bên hành lang Quốc hội, sáng ngày 29/5. Ông Dung cho biết, đi liền theo đó chúng tôi đang phải thiết kế chính sách, theo đó, có người được nghỉ hưu ở tuổi 50, hay quyền nghỉ hưu sớm hơn khi đóng đủ BHXH. Có nghĩa không bắt "cứng" người lao động phải đủ tuổi mới được nghỉ hưu. Đối với công nhân, chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đang rà soát lại toàn bộ ngành, nghề, những công việc lao động nặng, nhọc độc hại là phải có danh sách kèm theo Bộ luật này.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng lương hưu và trợ cấp xã hội cho 8 nhóm đối tượng

    Tăng lương hưu và trợ cấp xã hội cho 8 nhóm đối tượng

    21:20, 22/05/2019

Đang quy định có 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn, với dụ như những người làm việc trong lĩnh vực than hầm lò. Còn những lĩnh vực có lực lượng lao động trình độ cao như tòa án, kiểm sát, giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học giỏi thì phải khuyến khích họ làm việc suốt đời.

Vẫn theo ông Dung, chúng ta cần phân biệt tuổi nghề và tuổi hưu. Tuổi nghỉ hưu là đủ điều kiện để hưởng BHXH, còn với tuổi nghề thì khác, có nghề làm ngắn, có nghề làm dài. Như cầu thủ bóng chuyền, bóng đá thì làm ngắn, sau đó phải chuyển nghề. Nhưng có những người thôi không làm quản lý nữa vẫn có thể làm nghề như luật sư có thể làm suốt đời.

Tôi rất muốn chúng ta hiểu một cách đầy đủ về tăng tuổi nghỉ hưu. Đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu, nếu đến năm 2035 không điều chỉnh thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay”, ông Dung bày tỏ.

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hộị cho biết, khi bàn về tăng tuổi nghỉ hưu, phải nói cho rõ ràng, chỉ tăng cho nhóm lao động trong điều kiện bình thường, không phải doanh nghiệp nào cũng được tăng tuổi nghỉ hưu.

Việc tăng này ít nhiều cũng có tác động đến doanh nghiệp, trong đó cũng có những mặt tích cực. Vì nếu tuổi nghỉ hưu được nâng lên, người lao động bình thường có đủ sức khỏe, có trình độ chuyên môn lại là những người truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức và tạo cơ hội tăng năng suất cho doanh nghiệp. “Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong trường hợp này là rất tốt”, ông Lợi nói.

Còn ngược lại, với những người không có chuyên môn, thiếu năng lực và sức khỏe kém lại có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Đó là làm suy giảm năng suất lao động, do đó Chính phủ đề xuất có thể nâng lên hoặc giảm đi 5 tuổi. Điều này thể hiện không chỉ có đủ điều kiện như quy định của pháp luật, mà có liên quan đến các yêu tố như: không đủ các điều kiện về sức khỏe, trình độ chuyên môn, khả năng làm việc...

Theo đó, bản thân người lao động cũng có quyền không làm việc, chủ sử dụng lao động cũng có quyền không làm. Nhưng nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn bị suy giảm khả năng lao động, thông qua hội đồng giám định y khoa (61% trở lên), thì đương nhiên người lao động vẫn được nghỉ hưu. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nếu để lực lượng lao động không đủ sức khỏe và trình độ chuyên môn, thì sẽ không tạo ra được năng suất lao động, từ đây dẫn đến lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị suy giảm.

“Cho nên, vấn đề này cần phải được xem xét một cách tổng thể. Trong luật cần quy định quyền của cả chủ lao động và người lao động để tạo cơ hội cho những người có thể đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được kéo dài theo quy định của bộ luật Lao động, mà lại không đủ sức khỏe, chuyên môn hạn chế, cũng cho họ quyền được nghỉ”, ông Lợi đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không phải doanh nghiệp nào cũng tăng tuổi nghỉ hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO