Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2019. Theo đó, sẽ có 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Trong danh sách thanh tra đợt này có nhiều ông lớn bất động sản như: Công ty CP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang (Dự án Movenpick Cam Ranh Resort); Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường tại Dự án Alma Resort Cam Ranh; Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm phạm vi thanh tra tương ứng gồm tại Dự án Khu du lịch sinh thái Prime-Prime Resorts and Hotels thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Tỉnh Khánh Hòa)…
Việc nằm trong danh sách thanh tra của Bộ Xây dựng 2019 là hoàn toàn bình thường. Bởi việc thanh tra là hoạt động thường niên của Bộ Xây dựng, sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, thị trường dường như rất nhạy cảm với vấn đề “thanh tra”. Không biết bao doanh nghiệp có tên trong đề xuất thanh tra liên tục nhận được câu hỏi từ khách hàng và đối tác. Có đơn vị đã bố trí thêm bộ phận giải đáp thắc mắc nhằm trấn an khách hàng.
Theo Điều 37 Luật Thanh tra năm 2010 quy định có 3 hình thức thanh tra: Thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất. Việc thanh tra cũng sẽ giúp thị trường đi vào quy củ, các doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, thanh tra cũng đem tới mặt trái là mất thời gian, chi phí, cơ hội cho chủ đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản vốn đã chững lại những tháng cuối năm 2018 sẽ càng khó khăn hơn trong năm 2019. Mỗi động thái quản lý nhà nước cần hướng đến hỗ trợ thị trường nhiều hơn.
Mặt khác, việc thanh tra cũng đã được thực hiện từ vài năm nay nhưng không hiểu lý do gì có những doanh nghiệp bị công khai, có doanh nghiệp không công khai khi có kết luận. Điều này là không sòng phẳng. Trong khi hiện nay chưa có chế tài đối với việc cơ quan thanh tra hoàn thành quá trình thanh tra và có kết luận nhưng không thực hiện công bố kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, luật quy định công bố kết luận thanh tra cùng với thành phần của đoàn thanh tra tại cơ quan tiến hành thanh tra với ba phương thức lựa chọn: Qua báo chí, bảng điện tử và thông báo tại nơi làm việc, mới chỉ được áp dụng qua hai phương thức sau, phương thức công bố báo chí hầu như chưa được áp dụng.
Do vậy cần thiết phải sửa luật để việc công bố thông tin kết luận thanh tra được minh bạch và người dân được biết để giám sát. Cũng cần chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung của kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật.