Không thể chậm trễ hay “kháng chỉ” hay phát sinh thêm “giấy phép con” để làm khổ, người dân và hành doanh nghiệp thêm nữa trong bối cảnh khó khăn của đại dịch.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn 8799/BGTVT-VT gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc yêu cầu khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Thực tế, ngày 24/8, hình ảnh hàng dài xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất… hướng từ TPHCM về TP. Cần Thơ bị ùn ứ tại chốt kiểm soát do quy định “xe phải đăng ký trước" với Sở Công Thương TP. Cần Thơ. Sau một thời gian ùn ứ trên Quốc lộ 1, xe chở hàng được cho phép vào điểm tập kết tại bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ để chờ giải quyết.
Có doanh nghiệp cho biết, đã đăng ký theo yêu cầu với Sở Công Thương TP. Cần Thơ từ thứ 7 tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thậm chí có những xe đã đăng ký luồng xanh, có mã QR, chạy đúng tuyến là đi Quốc lộ Nam Sông Hậu, (quá cảnh - không vào TP Cần Thơ) đến Hậu Giang cũng bị kẹt lại nửa ngày và được yêu cầu phải đăng ký với Sở Công Thương TP Cần Thơ hoặc phải đi vòng xuống TP Ngã Bảy, rất mất thời gian và chi phí…
Nguyên nhân ùn ứ do TP. Cần Thơ có quy định từ ngày 23/8, tất cả các xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa, đều phải đăng ký trước, đồng thời tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định, trường hợp hàng hóa không xuống hàng sang xe thì phải đổi tài xế”.
Trong khi đó tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phản ánh họ gặp khó khăn với quy định giấy đi đường mới của thành phố, khiến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng bị ngừng trệ.
Dẫu biết rằng, trong giai đoạn này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm soát đi lại không có nghĩa là “đẻ thêm những giấy phép con” trái quy định của Trung ương, cản trở lưu thông hàng hóa đúng như tinh thần của Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.
Điểm 9, mục II, Công điện số 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc nêu rõ: “Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...
Trước thực tế này, ngay chiều 24/8, Bộ Công Thương đã gửi văn bản hỏa tốc 5139/BTC-TTTN đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trong văn bản này, Bộ Công Thương nêu rõ, cơ quan này tiếp tục nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, nhất là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với hai trường hợp đã được cấp mã QR code và chưa được cấp mã QR code.
Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện.
Phản hồi điều này, Bộ GTVT vừa có công văn 8799/BGTVT-VT gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc yêu cầu khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục Y tế giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực Trung ương; Sở Giao thông vận tải-Xây dựng Lào Cai, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nêu rõ, thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021.
Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn, đơn vị mình quản lý; tổ chức thực hiện, phát huy tinh thần đoàn kết, bám sát thực tiễn, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn quản lý. Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế-xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
Huy động các đơn vị, doanh nghiệp vận tải cùng tham gia công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng phối hợp khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng phương tiện, nhân lực phục vụ tốt nhất hoạt động vận tải.
“Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra lại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành và địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, về kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa tại chốt kiểm soát dịch, với trường hợp sau khi quét mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch.
Với trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện xuất trình bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), căn cước công dân hoặc chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe), khai báo y tế đầy đủ thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch và yêu cầu người trên phương tiện tiếp tục phải tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm.
Với trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.
Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện hoặc có Giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực, lực lượng kiểm soát yêu cầu, hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra.
Có thể bạn quan tâm
09:55, 12/08/2021
20:00, 11/08/2021
03:55, 05/08/2021
07:00, 30/07/2021