Không thể “phó mặc” người được đặc xá cho địa phương

Nguyễn Việt - Hồng Hương 07/11/2018 05:02

Khi “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau trong quản lý người được đặc xá trở về địa phương thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra môi trường tiêu cực.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, Nếu có một môi trường đời sống tốt sẽ là nơi cải tạo hiệu quả nhất.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, nếu có một môi trường đời sống tốt sẽ là nơi cải tạo hiệu quả nhất.

Đây là chia sẻ của ĐBQH Dương Trung Quốc khi Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào sáng 7/11.

Trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đặc xá là tập quán xã hội hết sức cần thiết. Đây vừa là sự khích lệ cho những người hoàn lương, nhưng cũng thể hiện tính nhân đạo. Tuy nhiên, cũng có tình huống khác đó là sự quá tải tại những nơi giam giữ, càng ngày chúng ta càng có nhiều phương thức giam giữ phạm nhân chứ không nhất thiết cách ly khỏi đời sống xã hội.

“Nếu có một môi trường đời sống tốt sẽ là nơi cải tạo hiệu quả nhất”, ông Quốc nói và cho rằng chúng ta phải làm tốt khâu giám sát, còn ân xá là chuyện rất bình thường, từ xưa cũng như vậy.

Chia sẻ về vấn đề tha tù trước thời hạn, ông Quốc nhìn nhận việc này cũng như đặc xá, dựa trên kết quả phấn đấu và cải tạo của người vi phạm để rút ngắn thời gian cách ly khỏi xã hội. “Theo tôi, đây cũng là một giải pháp nhân đạo và phù hợp với hoàn cảnh thực tế”, ông Quốc cho biết.

Nhưng điều quan trọng hơn theo ông Quốc, khi người phạm tội rời khỏi nhà tù có về được với môi trường sống lành mạnh hay không và trong quá trình lựa chọn người được tha tù có minh bạch và đúng tiêu chuẩn hay không, ai là người giám sát việc này.

Bình luận về việc người được tha tù trở về địa phương sẽ hòa nhập như thế nào, ông Quốc cho rằng, gánh nặng lớn nhất chính là địa phương, vì họ phải tiếp tục giám sát thay công việc các trại giam phải làm. Ở đây cũng rất dễ nảy sinh ra yếu tố tiêu cực, trong khi tại nhiều nước đã ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát sự di chuyển và vị trí của người được tha tù, bên cạnh đó là môi trường giám sát rất tốt của toàn xã hội.

Còn với chúng ta hiện nay gần như đang “phó mặc” cho chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương nghiêm túc thì người được tha tù có cơ hội hòa nhập cộng đồng nhanh hơn, còn không đây sẽ lại là cơ hội cho tiêu cực phát triển trong bộ máy quản lý.

Trong phiên làm việc sáng nay (7/11), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không thể “phó mặc” người được đặc xá cho địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO