Khu đô thị Tân Tây Đô: Chủ đầu tư ngang nhiên chiếm dụng diện tích chung

DIỆU HOA 25/08/2019 16:33

Bức xúc với cách xử lý trong việc quản lý và cấp nước sạch, một số cư dân tại Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, Hà Nội) còn phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư Xuân Phương.

Khu

Chung cư XP Homes thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô

Khu đô thị Tân Tây Đô có chủ đầu tư ban đầu là Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh (đại diện liên danh Cty Tuấn Quỳnh và Cty Thành Nhân), được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2008. Năm 2010, dự án này được chuyển nhượng lại cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát và Công ty Xuân Phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Cư dân Tân Tây Đô sống chung với nước bẩn, chủ đầu tư vô can?

    11:00, 31/07/2018

  • Chính quyền huyện Đan Phượng nói gì về tình trạng “nước bẩn” tại Khu đô thị Tân Tây Đô?

    12:49, 04/12/2017

  • Mở bán 30 căn hộ cuối cùng tại dự án Tân Tây Đô

    00:00, 15/01/2015

Mặc dù chia đôi dự án, tuy nhiên các chủ đầu tư cấp 2 chỉ được quản lý các tòa nhà do mình xây dựng và bán cho khách hàng, còn phần hạ tầng KĐT vẫn do Công ty Tuấn Quỳnh (chủ đầu tư cấp 1) quản lý.

Mập mờ hồ sơ nhà chung cư

Được quảng bá với căn hộ tiện ích, mặt tiền đường 32 thuận lợi di chuyển vào thành phố, không gian sinh hoạt rộng rãi, chung cư Tân Tây Đô từng là một cái tên “nóng hổi” trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhiều tình trạng bất cập, sai phạm ở đây đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cư dân, đặc biệt là vấn đề nước sạch.

Trong 5 năm qua, người dân ở đây đã phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, các hàm lượng chất như asen, amoni cao hơn gấp nhiều lần cho phép. Sau nhiều lần gửi đơn cầu cứu UBND TP Hà Nội và được phản hồi, cư dân tại đây có mong muốn được ký kết hợp đồng cấp nước trực tiếp với công ty Tây Hà Nội.

ối vào thang máy tòa nhà rất nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ

Lối vào thang máy tòa nhà bị chiếm dụng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Quốc Anh, cư dân tòa CT1B cho biết, đã hết thời gian 6 tháng (từ ngày 15/10/2018) theo cam kết của chủ đầu tư về việc sửa chữa, bàn giao hạ tầng nước để Tây Hà Nội ký hợp đồng mua bán nước với cư dân, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng cam kết đã nêu ra.

Đáng nói là việc sửa chữa cơ sở hạ tầng vốn dĩ thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp, thế nhưng chủ đầu tư liên tục kêu than, cho rằng số tiền để cải tạo hạ tầng là số tiền rất lớn.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Công ty CP xây dựng và DVTM Tuấn Quỳnh – Ban QLDA Tân Tây Đô đã ủy quyền cho các đơn vị là Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam và Công ty CP thương mại và xây dựng HT Group và Công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam đã tiến hành thu tiền lắp đặt đồng hồ nước của nhiều hộ dân.

ối vào thang máy tòa nhà rất nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ

Chủ đầu tư chiếm dụng 1 nửa diện tích lối đi lại giữa 2 tòa thành các nhà kho, hành lang siêu thị

Không dừng lại ở đó, mặc dù đã đưa người dân vào ở từ năm 2014, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hồ sơ pháp lý nhà chung cư. Các văn bản phê duyệt quyết định, hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt, hồ sơ thiết kế đô thị và mô hình thu nhỏ vẫn chưa từng được công khai với khách hàng.

Theo ghi nhận thực tế, xung quan tòa nhà CT1A và CT1B bị chủ đầu tư xây dựng chiếm dụng 1 nửa diện tích lối đi lại giữa 2 tòa thành các nhà kho, hành lang siêu thị, vỉa hè được quây thành bãi đậu xe chắn đường vào của phương tiện PCCC.

Vốn dĩ theo thiết kế quy hoạch ban đầu của các tòa nhà trong KĐT Tân Tây Đô được thiết kế theo kiểu đối xứng. Thế nhưng đến nay, so sánh các tòa nhà đối xứng của các chủ đầu tư thứ cấp thì lại có sự khác biệt hoàn toàn.

"Trong khi lối đi và sảnh tầng 1 của 2 tòa nhà CT2A và CT2B rất rộng, có lối thông nhau thì diện tích tầng 1 của CT1A và CT1B bị ngăn thành cách phòng cho thuê dịch vụ kinh doanh. Sảnh và lối vào thang máy tòa nhà rất nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ” – anh Quốc Anh chia sẻ.

Trjam

Tầng mái của tòa nhà cũng bị chiếm dụng cho thuê 6 trạm BTS

Ngoài ra, tầng mái của tòa nhà cũng bị chiếm dụng cho thuê 6 trạm BTS nhưng không có sự đồng ý của cư dân, không có sự công khai về kinh phí cho thuê trong quỹ kết dư của nhà.

Không có nhà sinh hoạt cộng đồng

Theo quy định kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực, các nhà chung cư được xây dựng phải được bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Quyết định 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội thì:

“…4) Trường hợp chủ đầu tư tại thời điểm thiết kế và triển khai xây dựng dự án không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng cho cư dân thì yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích giữ lại thuộc phần sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng với tiêu chuẩn tối thiểu 0,8m2 nhân với số căn hộ nhưng không nhỏ hơn 36m2 …”

Cư dân chung cư đã nhiều lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư

Cư dân tòa nhà Xphomes đã nhiều lần căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết

Tuy nhiên, các tòa nhà Xphomes (tên gọi chung các tòa được xây dựng bởi CĐT là công ty TNHH Xuân Phương) được đưa vào sử dụng từ năm 2014, cho đến nay vẫn chưa có phòng sinh hoạt cộng đồng theo đúng nghĩa.

Theo chia sẻ của những người dân sống tại đây, chủ đầu tư Xuân Phương chỉ bố trí phòng Hội trường của Ban quản lý dự án để sử dụng khi tổ chức hội họp, sự kiện. Hội trường này trên danh nghĩa là chủ đầu tư cho mượn, chỉ được sử dụng khi 3 tòa là HHA, CT1A, CT1B có sự kiện.

Thực tế, phòng sinh hoạt cộng đồng vốn dĩ là nơi để cư dân quản lý và sử dụng khi cần thiết, tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội, việc thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp gia đình có ma chay, hiếu hỉ không có nơi để tổ chức. Hay chỉ đơn giản là công tác sinh hoạt hè cho trẻ em cũng không được thực hiện do không có phòng sinh hoạt cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề phòng sinh hoạt cộng đồng cho nhà chung cư, các luật sư cho rằng chủ đầu tư không bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho các cư dân cụm nhà chung cư là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân.

Theo Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Luật sư Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, đối với hành vi không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định và hành vi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 (khoản 8 Điều 66)…

Đối với hành vi không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng (khoản 6 Điều 66).

Ngoài việc bị xử phạt tiền, chủ đầu tư sẽ buộc phải khắc phục các sai phạm của mình theo đúng quy định tại khoản 10 Điều 66 “Buộc bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo đúng quy định”.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu đô thị Tân Tây Đô: Chủ đầu tư ngang nhiên chiếm dụng diện tích chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO