Kinh tế địa phương

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng: Kết nối vành đai ven biển

Minh Huệ - Hải Ngân 30/10/2024 16:52

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được hình thành sẽ là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

42.jpg
Hải Phòng là thành phố duy nhất trong khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa (Ảnh: Nguyên Vũ)

Năm 2008, Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ – Cát Hải được thành lập. Sau 16 năm, KKT này đã trở thành một động lực tăng trưởng to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy TP Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy tại KKT này đạt gần 80%.

Ngoài ra, tại TP Hải Phòng, phía Tây hiện có KCN Nhật Bản – Hải Phòng, phía Bắc có KCN VSIP, phía Đông có KCN Đình Vũ. Duy nhất, tại phía Nam TP Hải Phòng là khu vực “trắng” về công nghiệp. Do đó, nhiệm vụ rất cấp thiết và cần thiết của TP Hải Phòng là phải khai thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho tương lai phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo.

Tuyến vành đai quan trọng

Thời gian qua, TP Hải Phòng đã gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024. Theo đề án, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có diện tích khoảng 20.000 ha - là KKT sinh thái thế hệ 3.0 đa ngành. Đây là mô hình mới, kết hợp tính ưu việt của các mô hình 1.0 và 2.0, bổ sung yếu tố phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg.

Cũng theo đề án, KKT ven biển phía Nam là khu vực có 3 động lực để phát triển bền vững gồm: Công nghiệp, Đô thị, Cảng biển. Khu vực này sẽ phát huy mạnh mẽ hiệu quả từ dự án đầu tư công theo đúng tinh thần của Trung ương “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phát triển. Đó là tuyến đường cao tốc ven biển đi xuyên tâm KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đang dần hình thành.

71.jpg
Phối cảnh KKT ven biển phía Nam Hải Phòng

Bên cạnh đó, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng còn tạo động lực để thu hút khoảng 300.000 – 500.000 người. Điều này sẽ góp phần để TP Hải Phòng đạt mốc xấp xỉ 3 triệu dân vào năm 2030.

Đặc biệt, với vị trí quan trọng trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, nằm tại 3 hành lang kinh tế quan trọng, KKT ven biển Nam Hải Phòng còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận thuộc các tỉnh: Nam Định – Thái Bình – Quảng Ninh. Đây là những khu vực có thể trở thành vành đai kinh tế ven biển, đảm bảo về quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng chia sẻ: “Việc sớm xây dựng KKT ven biển phía Nam là rất cần thiết để “chạy đua” đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về TP Hải Phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử. Bên cạnh đó, việc xây dựng KKT ven biển phía Nam không chỉ riêng cho TP Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện”.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Điều kiện của TP Hải Phòng ban đầu có cảng biển, sân bay, có đường nhưng vẫn chưa đủ. Tới đây, sân bay phải phát triển lên, thậm chí sân bay thứ 2 cũng phải đặt vấn đề ra. Cảng không chỉ là cảng Đình Vũ mà đặc biệt là KKT Nam Đồ Sơn gắn với cảng Đồ Sơn phải xúc tiến ngay. Đây không phải để cho TP Hải Phòng vượt lên một mình mà nó mở ra, tạo động lực cho cả vùng Bắc Bộ, tạo động lực cho cả đất nước”.

Hiện thực hóa các mục tiêu lớn

Nghị quyết số 45 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của TP Hải Phòng”.

19.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nghe báo cáo về Đề án KKT ven biển phía Nam Hải Phòng tại cầu Văn Úc thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình (Ảnh: Đ.T)

Đặc biệt, tại kết luận số 96-NQ/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (khóa XII) mà Bộ Chính trị vừa ban hành, nhiều giải pháp định hướng sự phát triển sắp tới của TP Hải Phòng được nêu rõ. Đó là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển thành trung tâm cảng biển, logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế; xây dựng cảng Nam Đồ Sơn cùng cảng Lạch Huyện là cụm cảng trung chuyển quốc tế; thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng; thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới, trong đó thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội…

Vì vậy, việc đề xuất Trung ương xem xét, phê duyệt Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đã khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo TP Hải Phòng. Bởi theo đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, một phần không gian KKT này cũng nghiên cứu hình thành khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới...

Như vậy, KKT ven biển phía Nam sẽ là KKT sinh thái đầu tiên của cả nước, nơi để TP Hải Phòng thí điểm các cơ chế chính sách vượt trội, đặc thù mà Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết 45 và Kết luận 96.

Đồng thời, phát triển KKT ven biển phía Nam là một trong những giải pháp chủ yếu giúp TP Hải Phòng sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố hàng đầu Châu Á, là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Với đề án phát triển KKT phía Nam của Hải Phòng cũng là một triển vọng rất lớn, tạo ra một không gian phát triển mới. Các KCN, KKT hiện tại không gian phát triển dần dần đạt tới giới hạn. Việc tiếp tục mở rộng sang KKT phía Nam, đặc biệt với định hướng xanh hơn, bền vững hơn, kết nối tốt hơn, mở cửa hơn với khu thương mại tự do sẽ hứa hẹn rất nhiều tiềm năng. Chúng ta cũng sẽ phát triển theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao hơn và những đầu tư vào TP Hải Phòng đồng bộ hơn, hướng tới nhiều nhà đầu tư hạ tầng bài bản, chất lượng cao hơn”.

Theo đề án, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy và quận Ðồ Sơn. KKT mới này được quy hoạch gắn liền với đường cao tốc ven biển, khu vực sông Văn Úc, cảng Nam Ðồ Sơn (quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế và trung chuyển nội địa và quốc tế), cùng sân bay Tiên Lãng (dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài) và hai tuyến đường sắt quan trọng cũng được quy hoạch là: Hải Phòng - Hà Nội nối với Lào Cai và nối với Lạng Sơn, Nam Ðịnh - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh...

Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế TP Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng: Kết nối vành đai ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO