Niềm khát khao của lãnh đạo Việt Nam phản ánh sự quyết tâm của đất nước trong việc bước ra khỏi cái bóng của một nền kinh tế phụ thuộc.
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13 tháng 1 năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu hết sức tâm huyết, chí lý, chí tình về thực trạng nền kinh tế Việt Nam:
“Tôi được báo cáo rằng Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, thứ 7 thế giới về gia công phần mềm...”.
Nhưng Tổng Bí thư cũng nói thêm:
“Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong giá trị đó? Có chăng là công lao động và sự ô nhiễm môi trường. Tôi cứ tự hỏi, đây liệu có phải là ‘ngộ nhận’, là ‘tự huyễn hoặc’, là ‘tự ru mình’ không?”
Là người may mắn được trải nghiệm cuộc sống từ thời quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp cho đến tiếp nhận sự “Đổi mới” từ năm 1986, người viết đã trải qua sự khó khăn, thiếu thốn về cuộc sống sinh hoạt thời kỳ đầu “Đổi mới” và chứng kiến sự tăng trưởng, tiến bộ vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua. Chuyện đói ăn, thiếu mặc giờ đây nghe như cổ tích; vị thế kinh tế, chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế chưa bao giờ cao như bây giờ kể từ khi lập quốc.
Lớn lên nhờ vốn ngoại ngữ, người viết làm việc cho doanh nghiệp FDI nên hiểu rất rõ nội dung phát biểu trăn trở của Tổng Bí thư. Đúng là chúng ta đang đứng tốp đầu về những mặt hàng mũi nhọn kia trên thế giới, nhưng buồn thay, đó toàn là của doanh nghiệp nước ngoài FDI.
Như Tổng Bí thư nói: “Khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện, nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này.” Điều này có nghĩa Việt Nam chỉ là nơi đặt nhà máy lắp ráp, hoàn thiện rồi đem bán. Doanh nghiệp FDI tận dụng chính sách thuế ưu đãi, nhân công giá rẻ, thuê đất, chi phí xây dựng nhà máy, điện, nước rẻ… để thu lợi. Còn công nhân viên lao động làm trong doanh nghiệp FDI, ngoài số ít quản lý cấp cao có đãi ngộ tốt, phần lớn đều rơi vào cái bẫy thu nhập thấp và trung bình, luôn trong tình trạng “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Số người giàu có ở Việt Nam không ít người giàu lên nhờ đất đai. Sản xuất vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn.
Thực tế, đặt nhà máy tại Việt Nam, nhiều tập đoàn cũng có chính sách nội địa hóa để giảm thời gian giao hàng, giảm chi phí vận chuyển và chắc chắn giá rẻ hơn nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại chưa đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của sản phẩm mà doanh nghiệp yêu cầu.
Đúng như Tổng Bí thư nói: “Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải…”. Tất nhiên, điều này giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ, nhưng cơ bản vẫn chỉ là “hớt váng” từ doanh nghiệp FDI, từ dịch vụ cung cấp đồng phục, xe buýt đưa đón công nhân, văn phòng phẩm, cho đến xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Nếu chính sách thuế, ưu đãi… thay đổi, họ sẽ nhanh chóng rời đi, y như khi họ ồ ạt đến, và sẽ bỏ lại một lực lượng công nhân viên cùng doanh nghiệp vệ tinh ăn theo bơ vơ, không có gì đảm bảo hay chắc chắn.
Việt Nam, như lời Tổng Bí thư nói, bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, cần phải tự thân vận động, đầu tư nghiên cứu, làm chủ về kỹ thuật, công nghệ thì mới có khả năng nâng tầm quan trọng, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng như Đài Loan, Israel...
Làm việc lâu năm trong doanh nghiệp FDI, người viết hiểu rõ rằng các tập đoàn lớn không bao giờ tiết lộ bí mật công nghệ; họ giữ chúng chắc hơn giữ tiền. Việc chuyển giao công nghệ cho chúng ta chỉ được tiến hành khi họ sở hữu công nghệ mới hơn, tiên tiến hơn. Dây chuyền và công nghệ sản xuất cũ sẽ được chuyển sang Việt Nam, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ.
Chỉ có đầu tư nghiên cứu, học hỏi, bắt đầu từ cơ khí chính xác, tiếp đến là điện tử công nghệ, thì Việt Nam mới nắm vững chiếc chìa khóa mở cửa vào “kỷ nguyên vươn mình,” như niềm khát khao của lãnh đạo Việt Nam.