Mặc dù hoạt động tín dụng thời gian gần đây đã khởi sắc hơn, nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% đã đề ra cho cả năm nay.
Theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh kích cầu tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay nếu muốn đạt được mục tiêu này.
Tín dụng mới tăng 9%
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 vừa diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Con số này cao hơn khá nhiều mức tăng gần 7% của cùng kỳ năm trước, và nếu so sánh với mức 6,63% tại thời điểm cuối tháng 8, có thể thấy tín dụng đã tăng khá mạnh trong tháng vừa qua.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã đề ra cho năm nay là khoảng 15%. Điều đó cũng có nghĩa để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, trong 3 tháng cuối năm nay tín dụng cần tăng trưởng bình quân khoảng 2%/tháng.
Đó là điều không hề dễ khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong 9 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 1%/tháng. Thậm chí, nếu xem xét kỹ diễn biến tín dụng những tháng đầu năm nay, có thể thấy có nhiều tháng tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm.
Đơn cử theo số liệu thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 6,1% so với cuối năm 2023 và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2024, tăng trưởng tín dụng giảm trở lại khi chỉ tăng 5,7% so với cuối năm 2023 và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, không thể phủ nhận thời gian qua NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đặc biệt, để tạo sự chủ động cho các TCTD trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhà điều hành đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm nay…
Đó là chưa kể việc NHNN đã gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng cũng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng tín dụng.
Để cung – cầu vốn gặp nhau
Nhiều chuyên gia cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã giúp duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Quả vậy, theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đến nay, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 0,86% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống cũng rất dồi dào, thậm chí các ngân hàng còn đang bị “tồn kho” vốn. Bằng chứng là sau 2 tháng tạm dừng, ngày 18/10,NHNN đã phát hành trở lại 12.300 tỷ đồng tín phiếu.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến tín dụng vẫn tăng trưởng chậm chạp cho dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, mặt bằng lãi suất cũng đứng ở mức thấp? Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc 163,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, là một minh chứng.
Bởi vậy theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nay, cần có giải pháp kích cầu để cung và cầu vốn gặp nhau. Theo đó, cần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; gỡ vướng kịp thời các gói hỗ trợ; thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, bởi thị trường bất động sản phục hồi sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế cũng khởi sắc hơn, nhờ đó cầu tín dụng cũng sẽ tăng.
Nếu các biện pháp nói trên được thực hiện hiệu quả, TS Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm nay, nhất là khi đà tăng trưởng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn, cộng thêm yếu tố mùa vụ những tháng cuối năm.
TS Cần Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng nhận định, tín dụng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới do tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 6,7% trong cả năm 2024; thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực thúc đẩy cầu tín dụng về đầu tư, kinh doanh bất động sản…