Canada là một đất nước tự do, cho nên nếu đáp ứng đúng tiêu chuẩn theo kiểm định của Canada thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chiếm lĩnh được thị trường này.
>>Tăng cường siết chặt hợp tác thương mại Việt Nam - Canada
Đó là chia sẻ của Doanh nhân, Việt kiều Canada Nguyễn Hoài Bắc với DĐDN về những tiềm năng giao thương của Việt Nam với Canada nhân chuyến thăm vừa qua của Ngoại trưởng Canada Mélanie Jolytại Việt Nam.
- Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly chọn Việt Nam là một trong 2 nước đầu tiên trong chuyến công du lần này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với nước này. Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác thương mại- đầu tư giữa 2 nước trong thời gian qua?
Giữa Việt Nam và Canada có một mối quan hệ rất tốt đẹp từ hơn 45 năm nay. Mặc dù quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước chưa lên đến đỉnh cao, nhưng xuất nhập khẩu 2 bên mỗi năm một tiến bộ hơn.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên thế giới của Canada. Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Về đầu tư, tính đến tháng 11/2021, Canada là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 của Việt Nam với 231 dự án với tổng vốn đạt hơn 4,81 tỷ USD.
Vào tháng 1 vừa qua, Canada và Việt Nam đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, giúp tăng cường đối thoại và hợp tác, thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương.
- Dù CPTPP đã được thực hiện, nhưng thương mại 2 chiều giữa 2 nước chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Theo ông, đâu là lý do? các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ CPTPP như thế nào để góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước?
Thứ nhất, Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu lớn hơn sang thị trường Canada hay không còn phụ thuộc vào những mặt hàng của chúng ta có đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân Canada hay không.
Thứ hai, các mặt hàng như nông, thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Canada đã đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng tại thị trường này hay không cũng là một bài toán cần đặt ra.
Dân số Canada không lớn, chỉ với 37 triệu người, bằng 1/3 của Việt Nam, nhưng số lượng hàng hoá tiêu thụ của các nước khác tại Canada rất lớn. Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại chưa thống lĩnh được thị trường tiềm năng này? Nguyên nhân là do chất lượng hàng hoá của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác quảng bá chưa làm tốt.
>>Tăng cường kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Canada trong hoàn cảnh mới
Thứ ba, trách nhiệm ở đây thuộc về các bộ, ngành của Việt Nam.
Canada là một đất nước tự do, cho nên nếu đáp ứng đúng tiêu chuẩn theo kiểm định của Canada thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Do đó, khi chúng ta muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương bằng xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada thì cũng cần nhìn nhận, chúng ta chỉ có ngành hàng nông, lâm, ngư nghiệp để xuất khẩu.
Còn với lĩnh vực công nghệ cao hay các lĩnh vực khác thì Việt Nam vẫn đang ở “vùng trũng”, do đó chúng ta chưa đủ khả năng để có các mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao để đáp ứng và cung ứng vào thị trường Canada.
Cho nên, chúng ta cần tạo ra lợi thế cho những mặt hàng đang có để tìm được chỗ đứng tại thị trường lớn này. Đây là một trong những giải pháp tốt nhất để đưa quan hệ song phương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng lên trong thời gian tới.
Tôi được biết, kế hoạch của hai chính phủ trong năm tới nếu không có đại dịch COVID-19 thì thương mại song phương có thể lên đến 10 tỷ USD. Đây là con số cũng không phải lớn so với các thị trường khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Nhưng đây là vấn đề chiến lược, vì khi chúng ta xuất khẩu tốt vào thị trường Canada thì sẽ thúc đẩy nhanh hơn mối quan hệ song phương giữa hai bên. Đặc biệt, khi Việt Nam và Canada đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện, thì đây chính là “đòn bẩy” thúc đẩy mối quan hệ thương mại, đầu tư lên tầm cao mới. Do đó, Việt Nam cần xúc tiến cơ hội này.
-Vậy, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội này?
Cái quan trọng nhất sau khi Việt Nam đã tham gia CPTPP, mối quan ngại lại nằm ở vấn đề nội tại của chính chúng ta. Vì các mặt hàng xuất khẩu sang Canada phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Bắc Mỹ và Châu Âu. Nếu các mặt hàng xuất khẩu chỉ nhìn vào khối lượng, sản lượng hay chiến lược kinh doanh không bài bản, thiếu khoa học thì sẽ dẫn đến hậu quả “khôn lường”.
Canada đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khoẻ cộng đồng, thậm chí còn cao hơn tiêu chuẩn Châu Âu. Với Châu Âu là thẻ vàng với những mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam, thì Canada còn có những tiêu chuẩn cao hơn thẻ vàng. Do đó, chúng ta cần tự “khẳng định mình” bằng chất lượng hơn số lượng sản phẩm tại thị trường này. Chúng ta nên quan tâm đến giá trị gia tăng, nguồn tiền và lợi tức thu về hơn là “chạy đua” số lượng.
Các sản phẩm xuất khẩu sang Canada phải đặt cho mình một tiêu chí, đó là có những sản phẩm “hoàn hảo” trước những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng Canada.
Kỷ nguyên mới sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thời đại 4.0, nhưng chúng ta có làm được không hay lại tự thua chính trên sân nhà tùy thuộc vào khả năng của chúng ta. Ví dụ, Việt Nam có những mặt hàng được đánh giá là thế mạnh, như nông, lâm, ngư nghiệp… Nhưng tại sao các nước xung quanh chúng ta vẫn có thị trường tại Việt Nam. Đây là một câu hỏi cho các nhà sản xuất kinh doanh, cũng như các nhà hoạch định chiến lược cho Chính phủ Việt Nam.
-Việt Nam và Canada đã có quan hệ đầu tư sâu rộng trong các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo.... Theo ông, đến nay hai bên đã đạt được kết quả như thế nào?
Đánh giá chung thì khả quan, nhưng đi sâu vào nội hàm từng lĩnh vực thì chưa đạt được như mong muốn của hai bên. Như chúng ta đã biết, Canada là một đất nước có trữ lượng dầu khí rất lớn, có thể hơn cả Trung Đông và không thua kém Nga.
Tuy nhiên, tại sao Canada không khai thác? Bởi vì đất nước của họ rất giàu có, cho nên nguồn dầu khí này được lưu giữ lại trong lòng đất. Nếu giá thị trường dầu mỏ trên thế giới tăng cao thì mới quyết định khai thác.
Cũng như với than, Canada có một trữ lượng rất lớn. Nếu chính phủ Việt Nam và các bộ, ban, ngành có tầm nhìn chiến lược thì sẽ đặt vấn đề với chính phủ Canada để tận dụng được những lợi thế của Canada mà Việt Nam đang rất thiếu.
Nhưng có một điều quan trọng hơn, Canada là một trong những nước đi đầu về bảo vệ môi trường. Họ tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, các nhà máy điện hạt nhân cũng dần được dỡ bỏ. Trong khi, Việt Nam vẫn đang phát triển điện hoá thạch. Do đó, Việt Nam cần sớm dừng điện hoá thạch để hạn chế gây ô nhiễm cho môi trường. Lúc này, tôi tin Canada sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
-Theo ông, các doanh nghiệp Canada đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào ở Việt Nam? Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành như thế nào để tạo điều kiện thu hút FDI nói chung và FDI từ Canada nói riêng?
Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp Việt Kiều Canada đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 1,8 tỷ USD. Khi họ đầu tư vào Việt Nam, không chỉ có riêng các doanh nghiệp Canada mà còn có nhiều doanh nghiệp của các nước khác trên thế giới.
Do đó, chính sách và luật pháp của Việt Nam phải theo kịp với cuộc sống và “vòng quay” của thế giới. Chính sách của chúng ta phải “dài hơi”, không làm luật theo hình thức “bắt cóc bỏ đĩa” khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn phải chạy theo chính sách.
Chính sách phải đi trước doanh nghiệp, chính sách phải hoạch định theo chiều dài và chiều sâu, tránh tình trạng đi “bịt kẽ hở” từ những bất cập của chính sách.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
15:17, 14/04/2022
03:38, 08/12/2021
16:36, 23/03/2021