Năng suất chất lượng doanh nghiệp sẽ được cải tiến và nâng cao nhờ áp dụng phương pháp quản trị dòng chi phí nguyên vật liệu MFCA.
MFCA là gì?
MFCA là một trong những công cụ chính để hạch toán quản lý môi trường, thúc đẩy tăng cường tính minh bạch của hoạt động sử dụng nguyên vật liệu thông qua phát triển mô hình dòng nguyên vật liệu nhằm theo dõi, định lượng các dòng chảy, dự trữ nguyên vật liệu trong tổ chức theo đơn vị vật chất và tiền... Đây là phương pháp hạch toán quản lý giúp giảm tác động đến môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh. MFCA đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành thành tiêu chuẩn ISO 14051. ISO 14051 là một phần của các tiêu chuẩn ISO 14000 liên quan đến quản lý môi trường.
MFCA có thể áp dụng cho các ngành sử dụng vật liệu và năng lượng thuộc bất kỳ loại hình và quy mô nào, có hoặc không có hệ thống quản lý môi trường tại chỗ. Nó có thể coi là giải pháp thay thế cho các tổ chức xem xét vấn đề môi trường, bao gồm khan hiếm nguyên liệu, biến đổi khí hậu và các quy định ngày càng nghiêm ngặt về môi trường.
MFCA ban đầu được phát triển ở Đức, sau đó là tại Nhật Bản. Lợi ích của việc áp dụng công cụ MFCA là tăng hiệu quả sản xuất thông qua đầu tư chính xác; Giảm chi phí thông qua thay đổi thiết kế sản phẩm, vật liệu; Đưa ra các mục tiêu có định lượng cho hoạt động cải tiến; Mở rộng các lợi ích trên toàn bộ chuỗi cung ứng và chi phí xã hội.
Hiệu quả từ thực tiễn
Việc áp dụng MFCA trong doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích: Cải tiến hiệu quả sản xuất vì MFCA giúp phân tích hợp lý, chính xác những điểm cần đầu tư; Giảm giá thành sản xuất thông qua thay đổi thiết kế sản phẩm, định mức nguyên vật liệu; Lập kế hoạch, đặt mục tiêu cụ thể cho cải tiến tại phân xưởng, nhà máy (kiểm tra chất lượng, ISO, bảo trì máy móc…).
Điển hình, sau khi áp dụng MFCA, Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng Miền Trung tiết kiệm gần 1 tỉ đồng/năm thông qua các giải pháp cải tiến tại công đoạn cắt và sơn, tăng năng suất 10% tại xưởng.
Để bắt đầu, nhóm phụ trách MFCA tại Công ty đã chia quy trình sản xuất thành 7 công đoạn để tiến hành phân tích dòng chảy nguyên liệu. Trong đó, chi phí lớn nhất nằm ở công đoạn 1 và 7. Nhóm cũng đưa ra ước tính sơ bộ về ba loại chi phí trung tâm là: Chi phí nguyên vật liệu; Chi phí hệ thống và Chi phí quản lý chất thải. Chi phí năng lượng có thể được thêm vào chi phí nguyên vật liệu hoặc định lượng một cách riêng biệt.
Đại diện Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung cho biết, áp dụng MFCA để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu giúp giảm thiểu tối đa phần phế liệu chảy ra trong quá trình sản xuất. Trước khi áp dụng MFCA, các nguyên vật liệu như thép tấm, thép hình chưa được kiểm soát chặt chẽ và bị lãng phí, tạo ra sản phẩm sai hỏng, chờ tận dụng và có sản phẩm không tận dụng được.
Qua tính toán, chi phí trước khi áp dụng MFCA ở công đoạn 1 là 31.963.000 đồng đối với lô sản xuất 15 cây kèo đỉnh; còn chi phí ở công đoạn 7 là 394.000 đồng. Sau khi áp dụng MFCA, chi phí ở công đoạn 1 đã giảm 14% và giảm 50% ở công đoạn 7. Nếu nhân với số lô sản xuất, ước tính trong 1 tháng, MFCA tiết kiệm được 117 triệu đồng và 1,4 tỷ đồng/năm.
Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm kết cấu thép của Đại Dũng luôn đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu đi 30 quốc gia trên thế giới. Theo chuyên gia, MFCA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức về hao phí, lãng phí trong sản xuất kinh doanh mà trước đây doanh nghiệp vẫn quan niệm lãng phí là đương nhiên. Kinh nghiệm từ doanh nghiệp này có thể chia sẻ và nhân rộng ở nhiều đơn vị sản xuất quy mô vừa và nhỏ, vốn chiếm tới gần 90% số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
19:45, 23/03/2023
00:31, 09/03/2023
22:19, 03/03/2023
11:39, 26/02/2023
05:16, 26/02/2023