Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù Luật Đất đai 2013 ra đời song sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý.
Các mức độ vi phạm diễn ra từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Út “trọc”, Vũ “nhôm”, Thủ Thiêm…
Có thể bạn quan tâm
07:00, 11/11/2018
11:00, 22/10/2018
Nhiều sai phạm
Tại một hội thảo liên quan đến chủ đề đất đai mới đây, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo về thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.
Chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý đất đai, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết một loạt hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng đến nay vẫn hiện hữu như: Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế-xã hội- môi trường; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn…
“Nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp Luật Đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát ngân sách nhà nước…”, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định.
Hơn nữa, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, phương pháp xác định giá đất theo phương pháp thặng dư được áp dụng phổ biến nhất hiện nay phụ thuộc 2 yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển. Cả 2 yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; thời gian xây dựng giá và thời gian giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau.
Vì thế, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng… đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách nhà nước.
Do đó, Tổng kiểm toán nhà nước cho rằng việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.
Chấm dứt quy trách nhiệm tập thể
Để chấm dứt tính trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có chính sách mới tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực, trách nhiệm của cac tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ quá trình chuyển đổi cho doanh nghiệp cổ phần hóa; bổ sung nội dung Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các bất cập về tài chính; tăng cường minh bạch thông tin và cụ thể hóa cơ chế tính giá trị, nghĩa vụ và quyền sử dụng đất đai...
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần bịt những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo điều kiện phát sinh vi phạm, thậm chí tránh né sự trừng phạt của pháp luật. Những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền quy hoạch và thay đổi quy hoạch sử dụng đất, dự án BT, đấu giá quyền sử dụng đất…
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống thanh tra giám sát về quản lý và sử dụng đất đai, cũng như tạo điều kiện để hoạt động giám sát về quản lý và sử dụng đất đai đi vào thực chất. Trong đó, đặc biệt quan trọng là xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Để hoạt động thanh tra và giám sát về đất đai đạt hiệu quả, hiệu lực cần quy trách nhiệm cá nhân cụ thể trong quản lý cũng như sử dụng đất đai; chấm dứt tình trạng quy trách nhiệm tập thể.
“Đồng thời có các biện pháp nghiêm khắc đối với người sai phạm, từ biện pháp hành chính đến bồi thường vật chất, tài chính và truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Ánh nói.