Quản lý xăng dầu phải toàn diện, từ chất lượng, nguồn cung, bán lẻ cho đến con người, kỷ cương... Với những doanh nghiệp kinh doanh “khuất tất” cần xử lý nhanh, thậm chí đưa ngay lên mặt báo.
>>“Vá” lỗ hổng quản lý xăng dầu
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 22/2 cho thấy, qua thanh kiểm tra, gần 250 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động vì hết xăng và nhiều nguyên nhân khác. Theo tôi, việc xử phạt thì cứ xử phạt, vấn đề là chúng ta phải làm nghiêm minh. Còn về nguồn cung xăng dầu thì như tinh thần rất ngắn gọn và rõ ràng của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đó là sẽ cung ứng đủ xăng dầu đến cuối tháng 3, nếu không đủ thì sẽ cho nhập, kể cả Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đóng cửa. Đồng thời có số dư 20% dành cho dự trữ.
Chúng ta không nên so sánh việc xử phạt những cửa hàng xăng dầu làm sai với thiếu nguồn cung xăng dầu. Công việc kiểm tra thuộc trách nhiệm của quản lý thị trường, còn nguồn cung xăng dầu là câu chuyện của Bộ Công Thương. Đó là lo cho đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.
Điều tôi đặc biệt quan tâm ở đây là vấn đề xăng giả, vì nhân cơ hội thiếu này thì xăng giả rất dễ được tuồn ra thị trường. Việc này quản lý thị trường phải hết sức chú ý, đừng để vì thiếu nguồn cung xăng dầu mà làm cho thị trường rối lên như “canh hẹ”.
Con số cửa hàng vi phạm “khiêm tốn” nhưng lại gây xáo động thị trường nhiên liệu thời gian qua là do bị gây tâm lý hoang mang, như bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa không bán hàng.
Cung hàng hóa thường hay bị kích thích dây chuyền, gây tâm lý hoang mang cho cái chung, người này đồn người kia. Do đó, không nên để xảy ra tình trạng này và phải được xử lý nghiêm.
Thực tế, thanh tra, kiểm tra kinh doanh xăng dầu rất nhạy cảm và phức tạp, vì trước đây tôi từng quản lý xăng dầu chất đốt Hà Nội nên hiểu vấn đề. Từ chất lượng, cân đo, kiểm kê tồn kho, thậm chí có cả việc “ém hàng”.
Hiện nay, với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ quan quản lý chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu báo cáo 5 phút/lần về tồn kho, khi kiểm kê tăng giá là nắm được ngay số lượng tồn kho.
Trong khi chúng ta vẫn phải chờ doanh nghiệp báo cáo bằng giấy hay gửi công văn. Làm như vậy sẽ không chính xác, chúng ta sẽ không cần kiểm tra, cứ nhìn số liệu trên máy tính là ra con số cụ thể.
Chính sự bất cập này đã tạo ra sự gian lận của những cây xăng thiếu trung thực. Bởi họ chỉ cần giữ lại một ngày quỹ bán hàng là đã thu lợi không biết bao nhiêu tiền. Ví dụ, trong kho còn 1.000 lít nhưng chỉ báo 900 lít.
Do đó, để tránh tình trạng lợi dụng này, cơ quan quản lý phải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu báo cáo 5 phút/lần lượng xăng dầu trong kho. Nếu làm “chặt tay” thì sẽ không còn cơ hội để lợi dụng để tăng giá.
Như vậy, quản lý xăng dầu phải toàn diện, từ chất lượng, nguồn cung, bán lẻ cho đến con người, kỷ cương... Với những doanh nghiệp kinh doanh “khuất tất” cần xử lý nhanh, thậm chí đưa ngay lên mặt báo. Đồng thời, cũng cần xử lý nghiêm những cán bộ đi thanh tra kiểm tra làm sai hay vi phạm đạo đức công vụ.
Một số chủ cây xăng cho rằng, chính cách giao hàng cầm chừng, hạn chế từ các đầu mối đã đẩy các cây xăng phải lựa chọn cách bán hàng theo định mức hoặc đóng cửa hàng và bị phạt. Họ cũng cho rằng, nói cây xăng găm hàng là chưa chính xác hoàn toàn mà chính đơn vị đầu mối không chịu bán ra, không chịu chi hoa hồng... Theo tôi, ở đây có 2 trường hợp. Thứ nhất, “găm” hàng do lỗ. Thứ hai, không còn hàng bán thật. Vấn đề doanh nghiệp báo cáo như thế nào thì thực tế phải kiểm tra.
Tuy nhiên, kiểm tra cũng phải “có cách” để làm sao doanh nghiệp tự nói lên sự thật rằng họ đang gian dối hay trung thực. Việc này không quá khó, nhưng nó lại phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ.
Tóm lại, để xử lý vấn đề này, chúng ta phải làm rõ, làm nhanh, không thanh tra phát hiện nhiều nhưng cũng không xử lý được doanh nghiệp vi phạm nào, và cuối cùng là “hòa cả làng”.
Và như một nhà nghiên cứu lịch sử từng nói: “Sự tồn tại lẩm cẩm này là để một bộ phận tồn tại”.
Để không tái diễn cảnh xáo trộn trên thị trường xăng dầu như vừa qua, trước hết chúng phải bảo đảm nguồn cung cho đủ, doanh nghiệp bán lẻ đến nhập hàng sẽ không lo thiếu. Thiếu đến đâu cấp đủ đến đấy, rồi yêu cầu có kho dự trữ 20 ngày. Làm được như vậy thì sẽ không bao giờ lo thiếu nguồn cung xăng dầu.
Thực ra, việc này đơn giản như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày, nhưng chúng ta lại bị rối lên “như gà mắc tóc”.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 23/02/2022
21:35, 22/02/2022
21:15, 22/02/2022
19:06, 22/02/2022
19:01, 22/02/2022
12:00, 22/02/2022