Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa vừa cho biết địa phương quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI theo hướng thực chất, căn cơ và bền vững.
- Những năm qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kiên Giang luôn ở thứ hạng“khiêm tốn”, theo đó môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay ở địa phương như thế nào, thưa bà ?
Kiên Giang hiện có khoảng 12.445 doanh nghiệp đang hoạt động với đa loại hình và ngành nghề, vốn đăng ký là 213.628,6 tỷ đồng. Riêng 09 tháng đầu năm, có 1.095 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 8.603,5 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng không ngừng phát triển về chất lượng, giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh cấp đăng ký đầu tư mới cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 5.753,7 tỷ đồng (tăng 03 dự án và tăng 5.100,8 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2023); cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 99 dự án, trong đó 03 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng 616,11 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp 745 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 629.034,9 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư 02 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 460,8 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 56 dự án FDI với tổng vốn thực hiện 812,5 triệu USD. Trong 3 quý vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt mức 119.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 686 triệu USD.
Có thể nói, tiềm năng và dư địa của tỉnh còn rất lớn, các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 và 2024 đều đạt và vượt so với kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh tiếp tục bám sát chương trình công tác, có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Từ đó kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, GRDP 9 tháng đầu năm đạt 6,76%, cao thứ 2 từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tuy vậy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kiên Giang từ năm 2022 đến nay lại không đạt như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh đã nhận thấy và nỗ lực cải thiện bằng nhiều giải pháp nhưng sự tiến bộ là chưa rõ nét, còn chậm.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan để có hướng khắc phục ?
Có thể dễ dàng nhận thấy nguyên nhân khách quan từ số phiếu điều tra, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát cho doanh nghiệp trong tỉnh và số phiếu thu về có sự chênh lệch lớn. Qua đó cho thấy kết quả chưa phản ánh hết thực tế chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền và môi trường đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, không ít chủ doanh nghiệp giao cho nhân viên trả lời phiếu khảo sát của VCCI nên chưa thể là đại diện cho tiếng nói tinh thần và trách nhiệm của doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác và không bảo đảm khách quan.
Bên cạnh đó sự thay đổi về trọng số (theo định kỳ) của các chỉ số thành phần trong cách tính điểm PCI cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm điểm không chỉ của Kiên Giang mà cả vùng ĐBSCL. Cụ thể như Chỉ số thành phần Tính minh bạch luôn là thế mạnh của ĐBSCL và Kiên Giang lại giảm từ 20% xuống còn 5%. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến thứ hạng của tỉnh trên Bảng xếp hạng PCI năm 2023.
Về chủ quan, thực tế cho thấy, mặc dù trong chỉ đạo điều hành UBND tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhưng việc cải thiện PCI còn chậm, chưa có đột phá, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp chưa được tạo điều kiện và hỗ trợ một cách tích cực nhất. Việc vận dụng thực hiện các cơ chế chính sách chưa linh hoạt, hiệu quả. Cảm nhận của doanh nghiệp về sự nỗ lực cải thiện còn mờ nhạt.
Mặt khác, kết quả điểm số từng nội dung trong Chỉ số PCI không thể hiện chi tiết ở sở, ban, ngành và địa phương nào, nên chính quyền tỉnh khó xử lý hay chấn chỉnh một cách hữu hiệu nhất.
- Để tìm giải pháp cải thiện PCI một cách hiệu quả, theo bà những giải pháp căn cơ nào để cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới ?
Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (Trung tâm) được UBND tỉnh giao tham mưu xây dựng và thực hiện “Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2025-2030”. Trong đó xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc tỉnh (gọi tắc là DDCI). DDCI được xem như một phiên bản chi tiết hơn của PCI. Bộ chỉ số DDCI này dựa trên cơ sở ghi nhận mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… đối với chính quyền ở cơ sở. Qua đó DCCI sẽ giúp chính quyền nghiên cứu giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Đề cương và Đề án này Trung tâm vừa xây dựng xong và đang trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện vào năm 2025.
Mục tiêu cụ thể của Đề án và Bộ chỉ số DCCI này nhằm: Rút ngắn và nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến cấp sở, ban, ngành và các địa phương.Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền. Tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Theo đó sẽ nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi và minh bạch cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Năng lực cạnh tranh của một địa phương được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Trong đó chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền và chất lượng hoạt động kinh doanh của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là hết sức quan trọng. Do đó, chính quyền tỉnh Kiên Giang mong muốn quý doanh nghiệp, doanh nhân tham gia tích cực và phản hồi đầy đủ, khách quan vào nội dung phiếu khảo sát, điều tra của VCCI. Đồng thời Hiệp hội doanh nghiệp Kiên Giang làm vai trò cầu nối với các địa phương để tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp hoặc thông qua các hoạt động tôn vinh doanh nhân để lắng nghe tâm tư, ghi nhận các kiến nghị giúp tỉnh có giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.
Trong năm nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch 288/KH-UBND ngày 20/9/2024 về việc Cải thiện và nâng cao 5 Chỉ số: Cải cách hành chính (Par Index), Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Xanh cấp tỉnh (PGI) và Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó nhiều nội dung được triển khai như: chính quyền các cấp rà soát, cắt giảm thủ tục rườm rà gây khó cho doanh nghiệp; thực hiện đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, ngăn ngừa các hành vi gây khó cho doanh nghiệp; thực hiện mô hình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ ngay từ đầu; đào tạo kỹ năng giao tiếp cho đội ngủ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao công tác đối thoại với doanh nghiệp ở từng ngành và huyện thành phố,…
Riêng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang phối hợp VCCI - Chi nhánh ĐBSCL tổ chức lớp Tập huấn kỹ năng hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tham dự có 50 học viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách công tác cải cách thủ tục hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh. Khóa tập huấn này nhằm giúp lãnh đạo, cán bộ hiểu rõ hơn tầm quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh; trách nhiệm và vai trò của mình trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại; làm tốt hơn khâu tham mưu và có kế hoạch triển khai phù hợp.
Những nỗ lực và một số giải pháp nêu trên là nhằm tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề mang tính căn cơ đó là: “Cải cách hành chính”; “Công khai minh bạch”; “Trách nhiệm giải trình”. Tất cả với quyết tâm cao nhất nhằm đạt mục tiêu chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh phải tăng điểm, tăng hạng và tiến tới trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó làm tiền đề tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh được xếp hạng khá của cả nước trong thời gian tới.