Kiên Giang: "Khơi thông" nhiều ách tắc liên quan đến hạ tầng, đầu tư, thủ tục hành chính

Khắc Lãng - Lưu Vân 24/07/2022 18:07

Với tinh thần phục vụ, sau gần 5 giờ đối thoại, nhiều “ách tắc” liên quan đến hạ tầng, đầu tư, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính... được các doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra cơ bản được “khơi thông”.

ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc giải đáp những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc giải đáp những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư

>>>Doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết hợp tác theo mô hình cụm, nhóm doanh nghiệp

Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Kiên Giang” được tổ chức ngày 23/7 vừa qua tại TP. Phú Quốc là một trong những nhóm vấn đề tỉnh Kiên Giang quyết liệt thực hiện theo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Thực hiện Kế hoạch 174/KH-UBND ngày 20/9/2021 về việc cải thiện và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Kiên Giang.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tiếp nối đà phục hồi, kinh tế Kiên Giang đạt mức tăng trưởng 4,42% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh thành lập mới là 897 doanh nghiệp, tăng 19% về số lượng so với cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký 11.525 tỷ đồng.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 11.421 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 187.040 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng ĐBSCL (sau Long An, Cần Thơ). Trong đó địa bàn thành phố Phú Quốc có 4.427 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 120.440 tỷ đồng, chiếm 38,76% về số lượng và 64,39% về vốn đăng ký toàn tỉnh.

Tuy nhiên, chủ trì hội nghị, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức khá cao, quy mô và số lượng thành lập mới doanh nghiệp, thu hút đầu tư luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu khu vực, nhưng các chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tục sụt giảm và nằm trong nhóm rất thấp.

“Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh, thành phố Phú Quốc lắng nghe phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp qua đó nhìn nhận, đánh giá một cách thực chất, toàn diện hơn trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó tìm kiếm những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

Gỡ khó về lao động

Tại hội nghị, các ý kiến doanh nghiệp đều thẳng thắn kiến nghị, đề xuất những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.

Bà Thái Phương Hoà, Tổng Giám đốc Sun Group – Vùng miền Nam cho biết, lĩnh vực du lịch chiếm 70% tại Phú Quốc, nhưng hiện tại các doanh nghiệp đang thiếu một lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề. Do đó, Kiên Giang cần có cơ chế để thu hút lao động đến với Phú Quốc.

Bà Thái Phương Hoà, Tổng Giám đốc Sun Group – Vùng miền Nam kiến nghị tại Hội nghị

Bà Thái Phương Hoà, Tổng Giám đốc Sun Group – Vùng miền Nam kiến nghị tại Hội nghị

>>>Kiên Giang đặt mục tiêu trở lại top khá PCI

>>>Kiên Giang: Phát triển công nghiệp bền vững

Đại diện CEC Group, ông Nguyễn Trung Kết cũng chia sẻ, hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó do thiếu nguồn lao động có chất lượng cao. Đặc biệt sau đại dịch, tình trạng thiếu lao động khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”. Vì vậy, ông mong muốn chính quyền có những chính sách hợp lý để thu hút nhiều nguồn lao động hơn.

Trước các kiến nghị về nguồn lực lao động, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐTB &XH tỉnh Kiên Giang thông tin, hàng năm tỉnh giải quyết việc làm cho 35 nghìn lao động nên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Song do lực lượng lao động trong tỉnh chỉ chiếm 55%, còn 45% là lao động ngoài tỉnh, nên khi có sự phát triển nóng của các huyện, đặc biệt là trên địa bàn Phú Quốc và các khu, cụm công nghiệp… đã khiến nguồn lực lao động khó đáp ứng.

Đơn cử đến năm 2025, Sun Group cần 15 nghìn lao động là con số rất lớn, chưa tính đến các doanh nghiệp khác.

Để tháo gỡ khó khăn về lao động, Sở đã tham mưu tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch, phối hợp các địa phương để nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Ông Sơn cho biết, trước mắt Sở sẽ tham mưu tỉnh ưu tiên các lao động trong tỉnh để đáp ứng cho Phú Quốc và các địa bàn trong tỉnh. Mặt khác, Sở đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động giữa các tỉnh. Sở cũng đã phối hợp 3 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp để cung ứng, kết nối lao động cho doanh nghiệp.

“Trong xu hướng tới, Sở sẽ đề xuất tỉnh tăng quy mô đào tạo, đặc biệt lĩnh vực du lịch. Thực tế, hàng năm các trường chỉ đào tạo tuyển sinh khoảng 2 nghìn lao động phục vụ cho ngành du lịch do đó chắc chắn không đáp ứng được cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Sở sẽ nỗ lực kết nối cung cầu các địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch”, ông Sơn cho biết.

Nhiều kiến nghị được tháo gỡ ngay tại hội nghị

Không chỉ thiếu lao động, ông Nguyễn Văn Tới - đại diện Vinpearl Phú Quốc cho hay, hiện nay nguồn cung ứng điện tại phú Quốc đang quá tải. Ông đề xuất, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ cung cấp điện cho thành phố Phú Quốc.

Đạip/diệnp/doanhp/nghiệpp/nêup/kiếnp/nghịị.

Đại diện doanh nghiệp nêu kiến nghị.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đăng Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại, Du lịch và xây dựng T.T.C phàn nàn, hiện nay thủ tục hành chính thành phố Phú Quốc còn chậm do thiếu nguồn lực, tỉnh cần có chính sách cho vấn đề này.

Về thi công và GPMB, ông Trần Mạnh Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia chia sẻ, dự án của công ty đã được bàn giao mặt bằng 100%, đã nộp tiền đền bù GPMB vào ngân sách nhà nước nhưng khi doanh nghiệp triển khai dự án có rất nhiều hộ dân phản đối, cản trở dự án.

Một vấn đề nữa, hiện doanh nghiệp đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Xây dựng để thẩm định, nhưng quy hoạch 1/2000 năm 2006 và quy hoạch 1/500 năm 2010 của tỉnh có sự không trùng khớp. Dự án được ban quản lý phê duyệt 1/500 năm 2020 nhưng lên Bộ Xây dựng chỉ xem quy hoạch 1/2000, việc hồ sơ không khớp dẫn đến hồ sơ thiết kế cơ sở đang bị “treo” không thẩm định được khiến công ty không thể triển khai được các bước tiếp theo. Ông Chung, kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai dự án.

ông Trần Mạnh Chung, TGĐ Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Mạnh Chung, TGĐ Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc thì kiến nghị, tỉnh cần có những khoá đào tạo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Tỉnh cần đẩy mạnh liên kết với nền tảng mạng xã hội, xây dựng hệ thống mạng WIFI phủ kín thành phố nhằm lan toả quảng bá hình ảnh Kiên Giang, Phú Quốc.

Trước các phản ánh của doanh nghiệp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang thông tin, để triển khai TTHC công mức độ 3,4 Sở đã có văn bản chỉ đạo bưu điện tỉnh cử nhân viên tham gia trực tiếp tại điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Tới đây Sở hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ zalo để ứng dụng zalo vào dịch vụ công nhằm tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp… 

Trước thực trạng tồn đọng hồ sơ liên quan đất đai nhiều, bà Trần Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở tập trung xây dựng kế hoạch liên quan công tác bồi thường từng dự án, kiểm tra từng công đoạn dự án để xác định tiến độ thực hiện. Đồng thời, rà soát lại những dự án trọng tâm để tập trung chỉ đạo, thành lập tổ công tác có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt, tới đây Sở xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi thường GPMB…

Đối với vấn đề thiếu điện, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc chia sẻ, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành điện, theo dự kiến 2/9 tới đây đường điện 210 KV sẽ đóng điện đảm bảo cung ứng điện cho Phú Quốc.

Theo kế hoạch của điện lực thì kế hoạch cung ứng điện cho Phú Quốc từ đường dây 220 kv và đường dây 110 kv sẽ đảm bảo cung ứng điện cho Phú Quốc đến năm 2030.

Về GPMB thành phố sẽ bám sát hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với đất đã giao cho doanh nghiệp, thành phố khẳng định kiểm tra xử lý ngay. Thành phố đã thành lập tổ phản ứng nhanh, xử lý các trường hợp doanh nghiệp yêu cầu.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiên Giang thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn lớn nhất đối với địa phương, cũng như các nhà đầu tư là thiếu các cơ chế chính sách thông thoáng, đồng bộ để hoạt động. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, triển khai các dự án …

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, ông Đỗ Thanh Bình cho rằng, tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để ban hành và đề xuất ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm thúc đẩy phục hồi và tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đối với các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh nhanh chóng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Chính quyền các cấp sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, không để đình trệ, ảnh hưởng đến phát triển chung của địa phương. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ thủ tục không cần thiết, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các hội, hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông ra mắtp/website Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, Bí thư TP. Phú Quốc Tống Phước Trường, đại diện thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Kiên Giang cùng bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng TM&CN Việt Nam tại Cần Thơ ra mắt website Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mong muốn cùng với doanh nghiệp chung tay tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. “Kiên Giang, xem thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và khẳng định sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư đến làm ăn tại Kiên Giang”, ông Bình nhấn mạnh.

Để thực hiện quyết tâm này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành cũng cam kết, tỉnh sẽ tổ đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Tại hội nghị hôm nay, tôi mong rằng Giám đốc các Sở ngành, địa phương luôn quan tâm, đồng hành phục vụ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng luôn luôn đồng hành cùng tỉnh, có khó khăn vướng mắc trao đổi trực tiếp hay bằng văn bản… góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Thành đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang

    20:17, 05/04/2022

  • Đảng viên trẻ khởi nghiệp ở Kiên Giang

    03:23, 13/02/2022

  • Kiên Giang vượt khủng hoảng

    08:57, 24/01/2022

  • Kiên Giang hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không

    11:52, 16/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiên Giang: "Khơi thông" nhiều ách tắc liên quan đến hạ tầng, đầu tư, thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO