Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị Habeco nộp thêm 1.847 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cùng các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và các đơn vị thành viên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có kiến nghị doanh nghiệp này nộp thêm 1.847 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Trong số 1.847 tỷ đồng kiến nghị tăng nộp bao gồm gần 4,5 tỷ đồng tiền tăng nộp thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt cũng bị kiến nghị nộp thêm hơn 441 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân tăng nộp là 381 triệu đồng. Ngoài ra, các khoản phải nộp khác là gần 1.392 tỷ đồng và tổng công ty này được kiến nghị giảm các khoản phải thu NSNN gần 5,8 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán tại Habeco, năm 2016 doanh thu của tổng công ty mẹ đạt gần 7.676 tỷ đồng, tăng hơn 12% (tương ứng 844 tỷ đồng) so với năm 2015. Trong đó, với việc bán được 529,9 triệu lít bia đã mang về cho Habeco 6.629 tỷ đồng doanh thu cùng với thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỷ đồng và doanh thu từ kinh doanh khác là hơn 9,5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tăng tốt so với năm 2015 nhờ Habeco đã quản lý doanh thu và thu nhập tốt nhờ việc tự sản xuất bia và hợp đồng mua bia thành phẩm của các công ty con, giá mua đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Toàn bộ sản phẩm bia chai, bia lon được bán cho Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco và toàn bộ bia hơi bán cho Công ty cổ phần Thương mại Bia Habeco. Sau đó, 2 công ty này trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường.
KTNN cũng chỉ ra một số sai sót trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tổng công ty này. Cụ thể, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỷ đồng. Điều này đã vi phạm quyết định do chính tổng công ty này đặt ra trước đó.
Ngoài ra, Habeco cũng không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu Malt mà chỉ chào hàng hạn chế, rồi chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua. Số lượng mua cũng không tập trung vào một nhà cung cấp có giá thấp nhất mà lại phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất. Điều này đã làm hạn chế tính cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro thông đồng giữa các nhà cung cấp…
Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang (Trường Đại học KTQD) từng chia sẻ, kiến nghị trên là có cơ sở. Vì ở Việt Nam khi luật pháp chưa chặt chẽ, thì việc kiến nghị thu thêm với Habeco là cần thiết để tránh việc doanh nghiệp chuyển giá, lách luật.
Còn theo PGS. TS Bùi Quang Bình (Đại học Đà Nẵng), kiểm toán nhà nước đưa ra bất cứ quyết định gì đều căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn luật thuế để làm. Trong trường hợp họ phát hiện thu không đúng, không đủ thì có quyền yêu cầu truy thu thêm.