Do chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong vài tháng trở lại đây.
Theo thống kê của Hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021 ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi như tác động của Hiệp định thương mại tự do như EVFTA với EU, CPTPP, các hiệp định thương mại song phương…
Đúng như dự báo, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021, đã tạo nhiều hứng khởi, yên tâm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm. Do vậy, 5 tháng đầu năm, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã có tăng trưởng đột phá, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD, tăng 62,9 % so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại các tỉnh thành phố khu vực phía Nam: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương- nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất.
Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6,7,8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên gỗ Hoàng Thông cho biết, đại dịch COVID-19 đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh hết sức khó khăn.
“Doanh nghiệp tôi nằm trong tâm dịch ở Bình Dương nên chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch. Để có thể duy trì được sản xuất, chúng tôi phải sản xuất theo hình thức 3 tại chỗ nhưng hình thức này qúa tốn kém bởi chi phí ăn ở cho công nhân tăng từ 3 đến 5 lần tuỳ thời điểm dịch bệnh”, ông Thông than thở.
Cùng với đó, theo ông Thông, chi phí xét nhiệm cho công nhân cũng là một con số rất lớn.
“Chúng tôi phải xét nhiệm thường xuyên cho công nhân đều đặn mỗi tuần 3 lần, mỗi lần chi phí xét nhiệm hết khoảng từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng cho một công nhân. Doanh nghiệp tôi có đến 3000 công nhân nên chỉ tính riêng chi phí xét nhiệm thì đây là đã con số quá lớn. Đó là còn chưa kể đến chi phí thuốc men và các khoản phát sinh khác”, ông Thông nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, dưới tác động của đại dịch và các chính sách giãn cách, phong toả, theo chia sẻ của ông Thông, công suất hoạt động của ông chỉ còn ở mức 30%. Việc đi lại khó khăn cũng khiến doanh thu đầu ra giảm trầm trọng.
“Chúng tôi còn đối diện với nguy cơ mất đơn hàng, bồi thường đơn hàng, thiếu lao động, thiếu vốn, thiếu tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, chúng tôi đã đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Thông.
Trước những khó khăn này, đại diện doanh nghiệp gỗ Hoàng Thông kiến nghị nhà nước ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine cho các bộ công nhân viên các doanh nghiệp, để doanh nghiệp sớm đủ điều kiện để hoạt động trở lại.
Với chính sách ba tại chỗ, ông Thông bày tỏ mong muốn được bãi bỏ chính sách này, đồng thời, miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch nhưng có thể phát sinh F0 tại doanh nghiệp bởi nhiều nguyên nhân.
“Và hơn tất cả, chúng tôi cũng mong muốn nền kinh tế sớm ngày được mở cửa để doanh nghiệp chúng tôi sớm được hoạt động trở lại”, ông Thông nhấn mạnh.
Ở góc độ Hiệp hội, để duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung và mất các đơn hàng cho doanh nghiệp, chiều 7/9, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ban, ngành, Viforest đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang rất khó khăn hiện nay.
Theo đó, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.
Cùng với đó, Viforest đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức 3T hoặc 2T tùy theo tình hình thực tế; Cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine; Cho phép các doanh nghiệp tự test COVID-19 và được công nhận kết quả; Không “hình sự hóa” trong trường hợp phát sinh các F0; hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp và kịp thời đưa các ca F0 được phát hiện ra khỏi nhà máy đến các cơ sở y tế để điều trị sớm nhất...
Viforest cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách như đã quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2021 của Ngân hàng Nhà nước và ban hành một số chính sách như giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới mức từ 4 - 4,5%/năm, đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng. Ngoài ra còn có các đề xuất về hỗ trợ vốn và tiếp cận nguồn vốn phục vụ kinh doanh.
Bổ sung đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tiếp theo để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Miễn 50% tiền thuê đất năm 2021, giảm 25% tiền thuê đất trong 2 năm tiếp theo, không điều chỉnh tăng giá thuê đất vượt quá 10% trong 5 năm giai đoạn sau so với giá thuê đất mà doanh nghiệp đã thuê ở 5 năm giai đoạn trước.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp được phép hoàn thuế GTGT nhanh nhất trong thời gian giãn cách, được phép hoàn trước, kiểm sau nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để duy trì sản xuất và trả lương người lao động...
Có thể bạn quan tâm
21:15, 25/09/2021
11:00, 12/08/2021