VCCI đề xuất giảm thuế GTGT cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… mức 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Mở rộng phạm vi giảm thuế
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên hiện nay, các giải pháp hỗ trợ về thuế, gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chỉ giới hạn trong năm 2021. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… là 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn do COVID-19, đặc biệt là giai đoạn phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội. Từ đó, khiến chi phí cố định trong doanh nghiệp bị tiêu hao, nhưng không có nguồn thu bù đắp. Dù theo chủ trương của Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn cơ cấu nợ ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nóng để trang trả các chi phí. Không những vậy, số tiền doanh nghiệp phải chi cho phòng chống dịch là rất lớn, như thực hiện test nhanh, test PCR COVID-19 cho cán bộ nhân viên, hỗ trợ an sinh cho người lao động nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Vì vậy, VCCI đã đề nghị bổ sung dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo. Đặc biệt, doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm, thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn.
“Điều này giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế với phạm vi đủ lớn, khắc phục khó khăn trên thực tế của một số gói hỗ trợ thời gian qua là dù con số công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh trên thực tế”, VCCI nhận định.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng thì phải xem xét miễn thuế GTGT, giai đoạn sau mới nên nhắm đến chính sách miễn thuế TNDN. Theo đó, cần lưu ý trụ cột chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư có thể là một. Trong bối cảnh hiện nay, nên khuyến khích đầu tư vào TP. HCM để thúc đẩy phục hồi kinh tế bằng việc miễn thuế TNDN cho các dự án đầu tư mới ở mức cao hơn, dài hơn. Muốn vậy, phải sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng ưu đãi đầu tư vào khu vực kinh tế trọng điểm, thay vì khuyến khích đầu tư vùng sâu, vùng xa như trước đây.
Về những chính sách đang dần được Chính phủ triển khai, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings đã chia sẻ rằng, việc miễn, giảm thuế trong cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh lần này còn chậm hơn cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong khi ở một số lĩnh vực như du lịch, lưu trú, dịch vụ... nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, nên cũng coi như không được hưởng.
“Do đó, các doanh nghiệp mong muốn chính sách được ban hành phải đi đúng vào khó khăn thật sự của doanh nghiệp, triển khai một cách sâu sát, kịp thời, đúng, trúng đối tượng để tháo gỡ khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải. Đồng thời các thủ tục hành chính không nên quá khắt khe, nơi yêu cầu bản chính, nơi yêu cầu bản sao mà trong bối cảnh giãn cách, những việc như vậy vốn không phải dễ dàng”, ông Kỳ đề xuất.
Tác động tích cực từ chính sách
Thực tế các chính sách được ban hành trong bối cảnh cấp bách do dịch bệnh gây ra, chưa có tiền lệ, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, nhưng đã khẳng định sự đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng được coi là động lực lớn lao tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Bộ Tài chính cũng đã nhận được nhiều phản ánh và đề xuất trong lĩnh vực của mình. Trong thời gian qua, Chính phủ đã tiết kiệm chi, tập trung kinh phí chống dịch, tập trung kinh phí mua vắc-xin tiêm cho dân, hỗ trợ người nghèo. Chính phủ đã ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp về tiếp cận tín dụng, nguồn vốn, dòng tiền, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp giãn, hoãn thuế, giảm 30 loại phí, giảm thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp chống chịu trước đại dịch”.
Xoay quanh vấn đề miễn giảm thuế cũng đặt ra nhiều câu hỏi như nên áp dụng chính sách thế nào, bao nhiêu là đủ, độ trễ của chính sách ra sao, công tác truyền thông đến đâu cho hiệu quả? Các nhà làm chính sách cùng nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã có phân tích như sau:
Thứ nhất, phạm vi ảnh hưởng của thay đổi thuế GTGT đến Việt Nam là rất lớn, trong bối cảnh quy mô thu ngân sách bị thu hẹp. Thu ngân sách Nhà nước từ thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2020 đạt 17.059 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 19.536 tỷ đồng. Giả định cắt giảm 50% thuế suất này thì thu ngân sách Nhà nước sẽ giảm một lượng tương đương 10.000 tỷ đồng đối với mọi mặt hàng trong 6 tháng.
Thứ hai, hạn mức điều chỉnh thuế GTGT của Việt Nam không rộng như các quốc gia khác, nên cần sự tính toán kỹ mức miễn, giảm. Tuy nhiên, mức giảm 50% là tương đối phù hợp với mức giảm quy mô ngân sách, thuận lợi cho công tác quản lý thuế và mức giảm đủ lớn để có tác dụng kích cầu.
Thứ ba, tác dụng kích cầu từ giảm đại trà thuế suất thuế GTGT xuất hiện tập trung ở khu vực thu nhập trung bình và cao, những người còn duy trì được các chi tiêu vượt trên nhu cầu thiết yếu. Khu vực người thu nhập thấp hoặc người rơi vào khó khăn do yếu thế cũng được hưởng lợi nhiều từ tiêu dùng các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi tiêu của họ.
Thứ tư, để rút ngắn tối đa độ trễ chính sách, công tác truyền thông cần được phối hợp song song. Người tiêu dùng càng có đủ thông tin thì càng thích ứng nhanh, sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng cá nhân trước khi thuế suất quay trở lại mức cũ, đó là động lực mạnh nhất có thể để tạo sự bứt phá trở lại cho kinh tế.
Thứ năm, để phát huy tác động kép của chính sách, cần thêm các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; miễn tiền phạt chậm nộp; và tạm dừng các hoạt động thanh tra thuế.
Có thể bạn quan tâm
16:33, 25/09/2021
15:52, 25/09/2021
16:00, 25/09/2021