Theo các Hiệp hội doanh nghiệp, nguồn lực của các doanh nghiệp đang cạn kiệt do phải chi phí rất nhiều cho phòng chống dịch, khó khăn lớn nhất là duy trì hoạt động sản xuất.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, đã gây tác động mạnh tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Theo đó, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước. Cụ thể, khó khăn, vướng mắc lớn nhất được các doanh nghiệp đề cập nằm ở vấn đề phòng chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất.
Trước hết, về công tác y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mô hình “3 tại chỗ” "1 cung đường, 2 địa điểm" áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ đang gặp một số vấn đề phát sinh tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở nhiều địa phương khi thời gian áp dụng kéo dài, việc cấp thiết cần có các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp ở phía Nam đang gặp nhiều vấn đề phát sinh mới như điều kiện ăn ở cho công nhân và người lao động không đảm bảo, vấn đề mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu, vấn đề tăng chi phí của doanh nghiệp do vừa phải lo xét nghiệm, tiêm vắc – xin, vừa phải lo phụ cấp tiền lương, ăn ở cho người lao động.
Cùng với đó, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” kéo dài đã dẫn đến các bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp, gây cạn kiệt nguồn lực của doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ở phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn nên không đủ điều kiện áp dụng “3 tại chỗ” và nhiều đơn vị buộc phải đóng cửa tạm thời12.
Do cơ chế cứng nhắc của “3 tại chỗ”, trong thời điểm hiện các doanh nghiệp tại khu công nghiệp không thể thực hiện hoán đổi công nhân (giữa công nhân của doanh nghiệp đang được nghỉ hoán đổi cho số công nhân đang bám trụ trong nhà máy) gây mệt mỏi về tinh thần và thể xác cho người lao động. Một số doanh nghiệp không thể thực hiện 3 tại chỗ cũng không thể đưa công nhân về địa phương do địa phương có dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không tiếp nhận người trở về.
Cùng với đó, các chuyên gia và nhà quản lý gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi xin cấp giấy phép lao động theo Nghị định 152 của Chính phủ, đặc biệt là yêu cầu về bằng cấp phải phù hợp công việc dự kiến, hoặc người lao động đã được cấp giấy phép lao động từ trước vẫn phải xin xác nhận từ nước ngoài khi gia hạn hoặc cấp mới giấy phép.
Thời gian xin cấp phép nhập cảnh cho nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý rất lâu và phải qua nhiều quy trình (từ việc xin chấp thuận nhập cảnh của UBND, đến các thủ tục phê duyệt của các Bộ ngành liên quan). Thực tế một số tỉnh phía Nam cũng quá tải về hạ tầng dẫn đến việc hạn chế chấp thuận nhập cảnh.
Đáng lưu ý, các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi giữa các tỉnh thực hiện giãn cách và các tỉnh khác dẫn đến hoạt động giao hàng, cung ứng bị đình trệ, thiếu hụt nguồn nhân lực, chuyên gia không thể nhập cảnh vào Việt Nam.
Các quy định về phòng chống dịch kiểm soát dịch bệnh, đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, quy định về giãn cách, phong tỏa khi phát hiện F0... chưa phù hợp với thực tiễn diễn biến dịch bệnh, cộng với sự vận dụng máy móc, cứng nhắc của các cấp chính quyền địa phương gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ ngừng sản xuất, phá sản của doanh nghiệp. Đơn cử, theo quy định hiện hành về kiểm soát dịch thì phải thực hiện đồng thời các tiêu chí cơ bản như: "Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong 14 ngày; Không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày. Bộ tiêu chí cũng không đề cập đến các tiêu chí rất quan trọng khác như tỷ lệ dân số đã được tiêm vắc xin”.
Theo các chuyên gia thì với bộ tiêu chí này, ngay cả những nước đã có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, đã mở cửa lại nền kinh tế như các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Israel cũng khó có thể đáp ứng.
Cùng với đó, thời gian gần đây, các công ty nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc gặp nhiều khó khăn trong việc thông quan do các biện pháp kiểm soát tăng cường của cơ quan hải quan đối với dược phẩm, bao gồm nhưng không giới hạn nhưng yêu cầu giải trình, và các yêu cầu tăng thêm khác trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nằm ngoài các quy định trong Nghị định, Thông tư thuộc lĩnh vực dược. Những yêu cầu này từ phía cơ quan hải quan chủ yếu tập trung vào tài liệu hành chính và những khác biệt nhỏ (ví dụ như lỗi chính tả, khác định dạng) mà không liên quan đến chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu này khiến thời gian thông quan bị tăng lên ít nhất là gấp đôi, và thậm chí nhiều hơn đối với hàng vận chuyển đường biển. Những yêu cầu về mặt hành chính trong quá trình thông quan này đang làm tăng thời gian thông quan, tăng chi phí lưu kho và ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc cũng như tiến độ cung ứng thuốc cho điều trị từ tháng 2/2021 đến nay.
Cũng trong thời gian qua, ở một số địa phương có hiện tượng không bố trí cho người lao động đã tiêm mũi 1 tại doanh nghiệp nhưng do dịch phải nghỉ việc, quay trở về địa phương, nay cần đủ tiêm 2 mũi mới có đủ điều kiện di chuyển đến nhà máy ở địa phương khác). Tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin cho người lao động tại các địa phương khác còn thấp (trừ Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có độ phủ vắc-xin lớn nhất cả nước, có chủ trương ưu tiên tiêm cho người lao động tại doanh nghiệp). Thiếu vắc – xin để tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong công tác y tế, phòng chống dịch bệnh.
Mới đây, Tập đoàn Foxconn cho biết, tập đoàn này đã mua lại công ty con của tập đoàn Sharp tại Việt Nam trụ sở tại Bình Dương, chủ yếu sản xuất camera module thông minh cho sản phẩm iphone. Hiện sản phẩm này chiếm 60-70% sản lượng camera iphone trên toàn cầu. Hiện nay, nhà máy này đang cần gấp khoảng 6.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất iphone 13 trên toàn cầu, nhưng nhà máy đang bị phong tỏa để phòng chống dịch, các lao động hiện tại với khoảng 2000 người không được đi làm. Khách hàng của Foxconn thông báo, nếu không hoạt động trở lại, các đơn hàng này sẽ chuyển về Trung Quốc, tác động lớn đến kế hoạch phát triển Foxconn tại Việt Nam.
Ví dụ về Foxconn chỉ là một trong số vô vàn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo đó, doanh nghiệp cho biết việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu đang bị gián đoạn. Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, đơn hàng bị hủy.
Chi phí sử dụng lao động của doanh nghiệp bao gồm các khoản chi trả tiền lương, thưởng, phúc lợi, đóng BHXH, bảo hộ lao động, đào tạo, tuyển dụng... đã tăng lên đột biến khi phải chi thêm phúc lợi xã hội, cho lao động nghỉ việc có hưởng lương, chi phí thêm về ăn ở cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí lao động đơn vị đã tăng lên rất nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, mức độ tăng chi phí an toàn vệ sinh lao động cũng đáng kể với các doanh nghiệp. Ví dụ, với nhóm các DN trên 500 lao động, có 44,44% số DN tăng chi phí ATVSLĐ từ 10-20% và có 5,56% số DN tăng chi phí ATVSLĐ từ 20-30%. Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất, việc tăng thêm các chi chí ATVSLĐ, đặc biệt là chi cho các biện pháp phòng dịch như chi phí test vi rút, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường”, “luồng xanh”,... lại đang là gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp có nhiều lao động chi phí này có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng); chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp. Chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn...). Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.
Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu cũng bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với hàng trăm, hàng nghìn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người lao động; một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam (OEM) đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác
Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử... Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Do ảnh hưởng của dịch covid 19 nặng nề và thời gian giãn cách kéo dài (nhất là đợt dịch bùng phát vào tháng 7-2021), nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì, buộc phải dừng sản xuất và đóng cửa, người lao động mất việc và dẫn đến xuất hiện làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...). Điều này có nguy cơ cao là ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch Covid-19 giảm thì doanh nghiệp khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, tay nghề cao.
Có thể bạn quan tâm
15:46, 25/09/2021
15:14, 25/09/2021
15:00, 25/09/2021
15:00, 25/09/2021
14:50, 25/09/2021