KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: VECOM đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn

ĐỖ HUYỀN 25/09/2021 16:54

Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, làn sóng COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta đã tác động nghiêm trọng tới toàn bộ kinh tế - xã hội nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp vào ngày mai (26/9), chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi COVID-19.

Trên thực tế, do tác động của dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết các nhóm ngành đều gặp khó khăn, cùng với tâm lý e ngại, thận trọng của các nhà đầu tư khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm đáng kể.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Sendo. Ảnh: Đỗ Tâm.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Sendo. Ảnh: Đỗ Tâm.

Theo Hiệp hội Thuơng mại điện tử Việt Nam, giai đoạn năm năm 2016 – 2020 thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%.

Tới đầu năm 2020, dự báo lĩnh vực này sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong giai đoạn 2021 – 2025 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 30% và đến năm 2025 quy mô của thương mại điện tử Việt Nam có thể đứng thứ hai ở Đông Nam Á. 

Năm 2020, làn sóng COVID-19 lần thứ nhất và thứ hai đã tác động mạnh mẽ tới thương mại điện tử. Tuy nhiên, về tổng thể cả năm 2020 thương mại điện tử vẫn phát triển với tốc độ chung của cả ngành tăng khoảng 15% so với năm 2019.

Tuy nhiên, sang năm 2021, làn sóng COVID-19 lần thứ ba và đặc biệt là lần thứ tư từ tháng 5/2021 với biến chủng Delta đã tác động nghiêm trọng tới toàn bộ kinh tế - xã hội và thương mại điện tử.

Cuối tháng 8, Hiệp hội Thương mại điện tử dự đoán tăng trưởng của lĩnh vực này dưới 10% so với năm 2020. Mức độ tăng trưởng cả năm phụ thuộc rất lớn vào chính sách vĩ mô đối với dịch vụ logistics nói chung và chuyển phát bán lẻ. 

Do đó, để lĩnh vực thương mại điện tử có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đề xuất với việc xây dựng ban hành các văn bản pháp luật cần coi trọng quy trình khảo sát đánh giá và thu thập ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, Hiệp hội để có tính ứng dụng thực tiễn một cách phù hợp khi đi vào triển khai.

Cùng với đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ cần có định hướng việc tạo thuận lợi để khích lệ các mộ hình kinh doanh mới mà điển hình là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngoài ra, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết với riêng lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay có hai văn bản pháp luật liên quan đang gây tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cần điểu chỉnh gồm: 

Thứ nhất, Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: nên bỏ quy định về việc sàn thương mại điện tử đại diện nộp thuế thay cho các doanh nghiệp trên sàn, quy định này làm tăng thêm gánh nặng cho các sàn TMĐT trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các sàn phải đầu tư thêm nguồn lực để nâng cấp hệ thống và con người khi triển khai những nghĩa vụ trên.

Thứ hai, Dự thảo Nghị định quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử do Tổng cục Hải quan đang xây dựng cũng chứa một số bất cập cần lưu ý để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế khi ban hành và thực thi.

“Ví dụ hạn mức hàng hoá nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 1.000.000 đồng trở lên hoặc từ 5.000.000 đồng đối với hàng nhập khẩu đơn chiếc phải tiến hành quản lý, kiểm tra chuyên ngành; hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu có giá trị đơn hàng từ 1.000.000 đồng trở xuống. Hạn mức này từ lâu đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế thực tiễn khi đời sống được nâng cao, xu hướng mua sắm nhiều và nhu cầu mua hàng hóa chất lượng với giá thành cao sẽ tạo nhiều cản trở cho cả các cơ quan thực thị và doanh nghiệp, người tiêu dùng muốn mua hàng xuyên biên giới”, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội này, nên điều chỉnh tăng hạn mức sàn này lên: miễn thuế nhập khẩu cho giá trị đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc có mức thuế cả đơn hàng dưới 200.000 đồng; Miễn quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với từng mặt hàng trong đơn hàng có giá từ 2 triệu trở xuống hoặc dưới 10 triệu đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

    16:39, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mong đợi Chính phủ “bật đèn xanh” cho các ngân hàng

    16:33, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp Hàn Quốc trông chờ chỉ thị mới từ Chính phủ

    15:52, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Sức khoẻ” doanh nghiệp suy kiệt

    15:46, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tiêm vaccine liên tỉnh bao phủ chuỗi cung ứng

    15:14, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp

    15:00, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đồng bộ giải pháp “tái mở cửa” nền kinh tế

    15:00, 25/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: VECOM đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO