Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định nguồn lực từ ngân sách, tín dụng Nhà nước sẽ không đủ để cứu 13 đại dự án, nhà máy thua lỗ, yếu kém.
Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý yếu kém, tồn tại của 13 dự án, nhà máy ngành công thương đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo đánh giá 1 năm thực hiện nhiệm vụ.
Chính phủ kiên quyết không dùng ngân sách để cứu dự án
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nguồn lực từ ngân sách, tín dụng Nhà nước sẽ không có để cứu các dự án, nhà máy yếu kém thua lỗ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ban chỉ đạo, các bộ, ngành đã xử lý được nhiều việc về đánh giá các vướng mắc, khó khăn pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ dự án theo cơ chế thị trường, xác định và xử lý nghiêm các sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan.
“Nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương, các Tập đoàn và Tổng công ty, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, bức tranh của 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ đã khả quan, sáng sủa hơn, các dự án đã có các phương án xử lý và đang triển khai”, Phó Thủ tướng đánh giá, nhưng cũng cho rằng kết quả mới chỉ là bước đầu khi còn những khó khăn nổi lên như việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, quyết toán các dự án, khó khăn trong thu xếp vốn lưu động... để tập trung giải quyết hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các dự án.
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương tổng hợp các báo cáo liên quan của các bộ, ngành để xây dựng báo cáo chung trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Nếu được giãn nợ, các dự án sẽ hoạt động tốt hơn
Thông tin thêm về các dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết nhóm các nhà máy nhiên liệu sinh học (của PVN) đang khởi động lại và có sản phẩm tiêu thụ trong tháng 3/2018.
Cũng trong tháng 3, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) sẽ vận hành lại phân xưởng sợi vì nhà máy vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị trong nước. Còn việc vận hành toàn bộ Nhà máy PVTex này thì PVN đang xem bản chào của 3 công ty nước ngoài và trong nước để quyết định triển khai. Từ nay tới hết quý II/2018, các bên sẽ thống nhất phương án hợp tác để vận hành toàn bộ nhà máy.
Vẫn theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Công ty đóng tàu Dung Quất DQS đang thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC. Bên cạnh đó, Dự án tàu 104.000 tấn chưa quyết toán được giá trị và đang triển khai tiếp nhận. Ngoài ra, DQS cũng đang thanh lý tài sản không cần thiết để phục vụ sản xuất. Theo ông Vượng, do DQS có nhiều tài sản đầu tư có giá trị cao, khấu hao lớn nên đơn vị này kinh doanh khó khăn, nếu được giãn khấu hao thì DQS hoạt động vẫn có lãi.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được mang ra bán đấu giá lần đầu với giá trị 1.800 tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, mới đây Bộ Công Thương cho phép tiếp tục đấu giá lần thứ 2 giảm 10% giá trị so với lần đầu. Nếu không ai mua thì giảm tiếp 10% trong lần đấu giá thứ 3. Sau lần này mà không tìm được nhà đầu tư mua lại dự án thì phải định giá lại nhà máy.
Có thể bạn quan tâm
|
Đối với Tổng công ty Thép, Nhà máy Gang thép Lào Cai đã hoàn thành sửa đổi điều lệ liên doanh, hợp đồng liên doanh với đối tác Trung Quốc và 2 bên ký kết Hợp đồng và Điều lệ liên doanh mới vào ngày 28/12/2017. Dự án mỏ Quý Sa đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay việc khai thác ở mỏ Quý Sa vừa sử dụng trong nước vừa xuất khẩu thì tình hình không khó khăn nữa.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, bên cạnh các thuận lợi khi nhiều dự án đã có chuyển biến trong đàm phán với các nhà thầu, khởi động lại sản xuất để giảm lỗ thì 12 dự án này gặp khó khăn chung là chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao của các dự án đang vận hành. “Nếu được giãn nợ, khoanh nợ và giảm khấu hao thì các dự án sẽ hoạt động tốt”, ông Vượng nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn PVN Trần Sỹ Thanh cho biết các nhà máy, dự án của PVN như PVTex đang gặp khó khi không được dùng tiền ngân sách, kể cả tiền của PVN để “cứu” các nhà máy, dự án yếu kém. Ông Thanh đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép PVN được dùng tiền của Tập đoàn với tư cách là các nhà đầu tư để chi trả hoạt động của các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ. Ông Thanh cũng cho rằng nên áp dụng cơ chế này cho các dự án, nhà máy khác đang thiếu vốn để khởi động lại sản xuất.
Đối với đề nghị của Chủ tịch PVN sử dụng vốn của Tập đoàn này để vực dậy các dự án, Phó Thủ tướng cho biết còn đang vướng quy định của Luật số 69, Bộ Công Thương cần đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét, làm rõ quy định việc đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã có loạt bài phán ánh về 13 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Nói về 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm “đắp chiếu”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, đó là nỗi đau của đất nước, của nhân dân.
Về phương hướng xử lý các dự án thua lỗ của Ngành Công thương, ông Nhưỡng đề nghị Bộ Công Thương phải phối hợp với các bộ, ngành hữu quan khác rà soát lại toàn bộ những dự án có nguy cơ thua lỗ, tiềm ẩn những rủi ro. Để từ đó chúng ta có phương án hữu hiệu, kịp thời khắc phục ngay, không để lây lan như bệnh dịch. Nếu không, cứ thỉnh thoảng lại lòi ra một dự án thua lỗ đắp chiếu như thế thì rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó cũng cần phải đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả phương án mang tính xã hội hóa để giải quyết các dự án nghìn tỷ thua lỗ này. Nếu bây giờ cứ để một mình nhà nước, một mình Bộ Công Thương hay một bộ, ngành nào đó giải quyết thôi thì sẽ không hiệu quả. Làm như vậy, thậm chí còn có thể dẫn đến những rủi ro, khuất tất mới trong quá trình xử lý các dự án đắp chiếu này.
“Tóm lại, tất cả những cán bộ, cá nhân, cơ quan có liên quan đến các dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả, từ cán bộ tham mưu, đến những người ký vào dự án đều phải chịu trách nhiệm, tùy tính chất mức độ khác nhau. Theo tôi cũng cần phải có báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan với những phương án thật cụ thể, rõ ràng”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.