Kiến tạo chính sách cho chuyển đổi xanh

THY HẰNG thực hiện 02/05/2024 03:00

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh.

Chia sẻ với DĐDN, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết đang chờ đợi Chính phủ Việt Nam xây dựng, ban hành các quy định pháp luật mới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để doanh nghiệp phát huy được lợi thế của mình.

Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết trong COP26 về việc đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Doanh nghiệp cũng cam đồng hành cùng mục tiêu nói trên. Tuy nhiên điều tiên quyết doanh nghiệp cần là định hướng của Chính phủ thông qua việc kiến tạo những chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

- Thưa ông, những lĩnh vực phát triển xanh nào được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm và có khó khăn nào trong quá trình chuyển đổi xanh này?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh như công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và năng lượng xanh.

Chúng tôi rất quan tâm về vấn đề môi trường và phát triển xanh, vì đây là xu hướng và yêu cầu của kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi năng lượng từ truyền thống sang năng lượng xanh không phải là câu chuyện của riêng ai. Rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư tới lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Chúng tôi có hơn 10.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, đa số trong lĩnh vực công nghiệp, nghĩa là chúng tôi có rất nhiều mái nhà máy có thể tận dụng để phát triển năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, một số nhà máy lớn hiện vẫn vướng quy định, thủ tục hành chính nên chưa tận dụng được phần mái của nhà máy nói trên. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục có thêm các chính sách tạo thuận lợi cho năng lượng xanh, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, khi chúng tôi sử dụng mái nhà để làm năng lượng mặt trời, thường sẽ dư lượng điện vào cuối tuần. Ở Hàn Quốc, công ty điện lực sẽ ký hợp đồng mua bán lượng điện này để tận dụng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc mua bán điện trực tiếp này gặp khó khăn, đàm phán kéo dài với nhiều thủ tục. Do đó, chúng tôi đề xuất cần các điều kiện đơn giản hơn để các nhà đầu tư thứ cấp có thể dễ dàng tham gia vào “cuộc đua” năng lượng xanh.

Một số quy định cũng hạn chế các công ty chuyên xuất khẩu đầu tư điện mặt trời mái nhà, như vậy cần tháo gỡ các quy định nói trên cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng.

p/Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina, Hàn Quốc (KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang). Ảnh TUẤN ANH

Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina, Hàn Quốc (KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang). Ảnh TUẤN ANH

- Bên cạnh năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang thể hiện sự quan tâm vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này liên tiếp cam kết rót vốn vào Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc như Công ty TNHH Hana Micron Vina, Tập đoàn Amkor, Tập đoàn Samsung…

Để phát triển công nghiệp bán dẫn, Chính phủ Việt Nam gần đây đã nhấn mạnh đến vấn đề sản xuất chip. Nhưng để có thể thu hút được đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, chip, trước hết Việt Nam cần có gắng đảm bảo, giúp đỡ các nhà đầu tư về mặt khuôn khổ pháp lý với những quy định pháp luật cụ thể. Bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi lượng vốn khổng lồ, có thể lên đến hàng tỷ USD, cần có sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý của nước sở tại, cũng như cam kết chính trị cao từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, về mặt cơ sở hạ tầng, hiện Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách ưu đãi rất nhiều đối với các nhà đầu tư chip bán dẫn. Ở Mỹ, khi nhà đầu tư về chip bán dẫn đầu tư hàng tỷ USD, Chính phủ Mỹ đầu tư thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có quy định mới về ưu đãi đối với lĩnh vực này.

Đặc biệt, ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn có dây chuyền sản xuất lớn và phức tạp, nên đòi hỏi phải có nguồn điện đảm bảo. Thế nhưng, hiện vấn đề thiếu điện cục bộ ở một số vùng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, nhất là với các dây chuyền sản xuất chip.

- Các nhà đầu tư Hàn Quốc còn có đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi rất quan tâm tới phát triển xanh và bền vững với nhiều lĩnh vực và dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chờ đợi Chính phủ Việt Nam xây dựng, ban hành các quy định pháp luật mới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để doanh nghiệp phát huy được lợi thế của mình.

Bên cạnh đó, với các dự án siêu lớn, mong Chính phủ có thể bảo lãnh giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng xanh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển mô hình khu công nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững

    Phát triển mô hình khu công nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững

    20:03, 28/03/2024

  • VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

    VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

    22:52, 19/03/2024

  • VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

    VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

    15:48, 19/03/2024

  • VBF 2024: “Chìa khoá” hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh

    VBF 2024: “Chìa khoá” hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh

    15:10, 19/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến tạo chính sách cho chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO