Chuyên gia IFC chỉ ra một số yếu tố then chốt để vận hành thị trường carbon hiệu quả gồm đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết Việt Nam đề ra mục tiêu đạt net zero vào năm 2050 - đây không phải mục tiêu xa vời.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phải chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn, phát triển các công nghệ phát thải thấp, cùng với những hành động khác nữa.
Theo ông Cường, đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Tại Hội nghị COP 26, có trên 150 quốc gia tham gia đã cam kết phải thải ròng bằng 0, và rất nhiều quốc gia đã tham gia tuyên bố toàn cầu khác về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí mê tan cùng các tuyên bố khác nữa để chúng ta cùng hành động bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Nhấn mạnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Cường cho biết mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã có những kế hoạch cụ thể. Kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đây là những hành động cụ thể thực hiện những định hướng lớn để phát triển đất nước. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng, bao gồm chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế carbon thấp.
Theo ông Cường, đến nay, chúng ta đã có nền tảng đầy đủ về mặt chính sách, về mặt thể chế và các hàng động cụ thể. Cùng với sự sẵn sàng tham gia của khối doanh nghiệp Việt tham gia vào giảm phát thải khí, Nhà nước cũng đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon, nhằm hỗ trợ giảm phát thải, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khu vực ngân hàng cũng đã và đang tiếp cận chuyển đổi xanh và cho vay xanh, phát triển các dự án xanh. Tất cả đang cùng đồng lòng hướng đến mục tiêu giảm phát thải.
Ông Cường cho hay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ bộ tiêu chí phân loại xanh. Khi bộ tiêu chí này được ban hành, các ngân hàng sẽ có cơ sở để cho vay các dự án xanh, và các tổ chức cá nhân có cơ sở tiếp cận các chương trình tín dụng xanh. Việt Nam cũng đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon để hỗ trợ giảm phát thải, hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi toàn cầu, đó là xu thế chung của thế giới.
Theo ông Cường, công cụ định giá carbon trên thế giới hiện nay phổ biến được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon.
Trên thế giới hiện có khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng khoảng 110 công cụ định giá carbon. Mức độ tham gia thị trường carbon rất lớn, tính riêng trong năm 2024, các công cụ định giá carbon này đã kiểm soát hơn 12,8 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 24% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng và chiếm 19% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương ứng 10,1 tỉ tấn CO2 tương đương. Kết quả này cho thấy vai trò của thị trường carbon nói chung và các công cụ carbon đóng góp cho nền kinh tế của cả thế giới rất lớn.
Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá carbon, cụ thể là thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia với chi phí thấp của doanh nghiệp và xã hội, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp.
Về mặt thể chế, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó đã có quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Bước tiến lớn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trước đây, là Luật năm 2020 đã tiếp cận từ nâu sang chuyển đổi xanh. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của chúng ta đã ban hành trong các hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường, đã tiếp cận những tiêu chuẩn của những nước tiên tiến trên thế giới như các nước châu Âu, như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Luật Bảo vệ môi trường cũng đã đề ra những việc chúng ta phải làm như: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.
Theo ông Cường, trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã chi tiết các quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon bao gồm lộ trình, đối tượng tham gia và các quy định về trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển carbon tại Việt Nam. Đề án đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp để sớm thí điểm thị trường carbon trong nước trong năm 2025 và vận hành chính thức sau năm 2028.
Tại Việt Nam, trong khi thị trường carbon tuân thủ mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013… Vừa qua, IFC đã tổ chức một đợt khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia thị trường cacrbon tự nguyện tại Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng cần nghiên cứu, phát triển cả thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ. Hiện nay, một số quốc gia, tổ chức quốc tế đang xúc tiến hợp tác thực hiện các dự án tạo tín chỉ để trao đổi quốc tế theo hình thức này.
Để tạo ra tín chỉ carbon và vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý như Nghị định về sàn giao dịch carbon sớm được ban hành; xây dựng các quy định về tiêu chuẩn tín chỉ carbon; tập trung đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án tạo tín chỉ carbon, thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước và đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ kỹ thuật.
Trong khi đó, bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thị trường carbon không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý, cơ hội kinh doanh, mà còn là công cụ thiết yếu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, là cơ hội cho chúng ta.
Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, IFC chỉ ra một số yếu tố then chốt để vận hành thị trường carbon hiệu quả.
Thứ nhất, đó là phải đảm bảo tính toàn vẹn môi trường thông qua xây dựng và triển khai hệ thống MRV (các bước về mặt kỹ thuật và quy trình để đo đếm, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính). Hệ thống như vậy phải được xây dựng với tính chặt chẽ và hiệu quả, thực tiễn.
Thứ hai, phải xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế tạo niềm tin cho thị trường và thu hút sự tham gia.
Thứ ba, nâng cao năng lực cũng như thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan đảm bảo tất cả các bên tham gia hiểu rõ cơ chế vận hành của thị trường và vai trò của mình trong đó.
“Bằng cách hợp tác một cách chặt chẽ, chia sẻ tri thức, kiến thức và hành động quyết liệt chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường carbon mạnh mẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường ở Việt Nam”, bà Elvira Morella nhấn mạnh.