Doanh thu “èo uột” từ khi thành lập, Kim Nam Group bỗng khiến dư luận “sửng sốt” với thông tin đầu tư vào dự án 6.500 tỷ đồng tại Bắc Kạn. Vậy sự thật, doanh nghiệp này muốn “toan tính” điều gì?
Theo đó, đầu tháng 6 vừa qua, Kim Nam Group đã ký kết tài trợ cho thành phố Bắc Kạn các sản phẩm quy hoạch tại khu vực hồ Nặm Cắt, nội dung ký kết cũng thể hiện rất rõ là “tài trợ các sản phẩm quy hoạch”. Tuy nhiên, tại một vài trang thông tin lại đăng tải nội dung rất “lập lờ”… “Tập đoàn Kim Nam chính thức nghiên cứu, đầu tư dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Nặm Cắt - Tuyệt phẩm hồ trên núi với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng”.
Dư luận băn khoăn và khó hiểu rằng, đơn vị này đã trải qua nhiều tháng ngày với doanh thu 0 đồng, thậm chí còn chưa xóa lỗ lũy kế thì sẽ đầu tư “siêu dự án” ra sao?
Trước tiên, hãy “nội soi” báo cáo tài chính xem Tập đoàn này kinh doanh ra sao? Theo đó, trong năm 2019, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kim Nam Group chỉ là… 0 đồng, doanh thu hoạt động tài chính vỏn vẹn 769.885 đồng. Vì vậy, năm 2019, tập đoàn gánh khoản lỗ 769 triệu đồng.
Sang năm 2020, tình hình được cải thiện hơn nhưng sức mạnh tài chính của Kim Nam Group vẫn là… rất yếu khi doanh thu chỉ đạt gần 4,7 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận của tập đoàn rất khiêm tốn, chỉ là 478 triệu đồng.
Vì lãi mỏng trong năm 2020 nên tại thời điểm 31/12/2020, Kim Nam Group vẫn còn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 174 triệu đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là hơn 146 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn tại Kim Nam Group chỉ đạt 0,33%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất gửi ngân hàng. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng vốn tại tập đoàn rất thấp.
Cuối năm 2020, Kim Nam Group âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 19,7 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 14,6 tỷ đồng.
Nhìn vào các chỉ tiêu tài chính có thể thấy dòng tiền của Kim Nam Group tập trung chính vào đầu tư. Có tới 144 tỷ đồng, chiếm 98,6% tổng tài sản là các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Hiểu nôm na là góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư này chưa thực sự phát huy tác dụng khi mà doanh thu hoạt động tài chính (có thể bao gồm cổ tức, tiền lãi được chia) chưa đạt 800.000 đồng.
Trong khi dòng tiền của năm 2020 chưa thực sự hiệu quả, trong quý 1/2021, Kim Nam đã tăng vốn từ 146 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Có thể đây được hiểu là hoạt động “dọn đường” cho tập đoàn “đầu tư” vào siêu dự án trị giá 6.500 tỷ đồng tại Bắc Kạn?
Kim Nam Group có trụ sở tại số 562, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Kim Hùng là người đại diện pháp luật. Kim Nam Group tự giới thiệu là một tập đoàn kinh tế đa ngành bao gồm 12 công ty thành viên ứng với 12 lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản, công nghệ, đầu tư, bất động sản, logistics, thực phẩm, truyền thông...
Đáng chú ý, Công ty VERIG do Công ty Cổ phần Tái cấu trúc Việt (VERCO) - Công ty thành viên của Tập đoàn Kim Nam - thành lập đã từng bị Báo Pháp luật Việt Nam lên tiếng về việc huy động vốn trái phép, hoạt động kiểu đa cấp.
Cụ thể, theo tin tức độc quyền của tờ báo này, trong biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 17/8/2019, mô hình kinh doanh của VERIG được công bố là dựa trên nền tảng B2B, P2P Lending, Logistic, Tài chính phái sinh và Marketing trên mạng xã hội với hạt nhân là sức mạnh công nghệ cao thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo Blockchain… để giải quyết hầu như mọi vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, sự thực, hiện ở Việt Nam chưa có nền tảng nào sở hữu công nghệ tiên tiến như vậy bởi số tiền đầu tư xây dựng quá lớn. Vậy mà trong báo cáo tài chính VERIG gửi các thành viên HĐQT thì 1/6 – 30/9/2019, chi phí bỏ ra để xây dựng VERIG chỉ vỏn vẹn 144 triệu đồng (bằng 2% dự toán giải ngân). Và thực tế, mọi thao tác vay mượn trên VERIG P2P Lending đều được thực hiện thủ công bằng cách đăng ký danh sách trên Google doc. Cũng theo báo cáo tài chính này, dòng tiền giải ngân vốn cho các giao dịch vay bằng 0. Được biết đây là hoạt động kinh doanh chính của VERIG P2P Lending. Không giải ngân được đồng nào, VERIG lấy tiền đâu ra để hứa hẹn lợi tức 20%/năm cho các nhà đầu tư?
Đáng chú ý, chỉ bỏ ra 144 triệu đồng để xây dựng nền tảng hạt nhân phần cốt lõi là VERIG, ông Kim Hùng lại vượt chi tới gần 1 tỷ đồng chi phí PR, Marketing để đánh bóng thương hiệu.
Theo điều tra của báo này cũng cho thấy, hàng loạt công ty trực thuộc tập đoàn này đều không có hoạt động, thậm chí còn không có cả website chính thức, vay vốn không cần tài sản thế chấp, đặt lệnh quảng cáo về ưu điểm của VERIG ở khắp mọi nơi trên trang chủ. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Để vay được 1 đồng, người vay phải bỏ ra 2 đồng đầu tư vào VERIG để làm tài sản đảm bảo.
Quay trở lại thông tin với siêu dự án có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng tại tỉnh Bắc Kạn… Dư luận băn khoăn cho rằng, vai trò thực sự của Kim Nam Group như thế nào? Có đúng là Tập đoàn này sẽ triển khai “siêu dự án” 6.500 tỷ đồng? Hay có chăng, vị diễn giả kiêm Chủ tịch Nguyễn Kim Hùng “mượn danh” siêu dự án để “bổn cũ soạn lại” việc “huy động vốn trái phép”?
Trả lời thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp, một lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, Kim Nam Group có giới thiệu, tài trợ để quy hoạch dự án chứ không thực hiện dự án này.
Vậy, sự thật “diễn giả", phó viện trưởng, chuyên gia tài chính, Chủ tịch Nguyễn Kim Hùng đang “toan tính” điều gì tại Bắc Kạn?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
"Robot AI" đa cấp lừa đảo thời công nghệ số
04:08, 12/07/2021
Kinh doanh đa cấp đội lốt công nghệ cao “Robot AI”
03:50, 05/07/2021
App đa cấp lừa đảo nở rộ, nguyên nhân từ đâu?
04:30, 01/05/2021
Điểm mặt những vụ đa cấp tài chính lừa đảo “khủng” năm 2020
11:00, 29/12/2020
“Trùm” đa cấp Liên Kết Việt khai gì tại tòa?
00:50, 22/12/2020
BIS - Mô hình đa cấp tài chính (Bài 2): “Vạch mặt” nhóm đối tượng lừa đảo
11:06, 14/05/2021
Tiếp vụ BIS - đa cấp tài chính lừa đảo (Bài 3): Bộ Công an vào cuộc
04:30, 30/05/2021