Kinh doanh của Vinawaco: Tê liệt vì cổ đông không đồng điệu

Theo Báo đầu tư 19/08/2019 16:32

Việc không tìm được tiếng nói chung giữa cổ đông tư nhân và cổ đông Nhà nước đang khiến công tác điều hành sản xuất, kinh doanh tại Vinawaco như “múa tay trong bị”.

Tê liệt

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình đường thủy - CTCP (Vinawaco) không giấu được sự thất vọng sau khi nhận được văn bản phản hồi của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cổ đông đang nắm giữ 36,62% vốn điều lệ đối với những kiến nghị khẩn cấp liên quan đến sự “tồn vong” của Tổng công ty.

Được biết, vào tháng 7/2019, Vinawaco đã gửi 4 kiến nghị khẩn tới lãnh đạo Bộ GTVT để sớm tháo gỡ những bế tắc liên quan đến hoạt động của đơn vị.

ến nay, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn tất thủ tục để chính thức khép lại quá trình cổ phần hóa, đẩy Vinawaco vào trạng thái “tê liệt”.

ến nay, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn tất thủ tục để chính thức khép lại quá trình cổ phần hóa, đẩy Vinawaco vào trạng thái “tê liệt”.

Cụ thể, HĐQT Vinawaco đề nghị Bộ GTVT xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, quyết toán và xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần và công ty cổ phần theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ - CP ngày 18/7/2011 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư số 127/TT - BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo quy định, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) chỉ đạo tổ giúp việc, doanh nghiệp CPH phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thông tư số 127 cũng quy định, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán, báo cáo quyết toán thuế (nếu có) cơ quan có thẩm quyền quyết định CPH doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý các tồn tại tài chính của doanh nghiệp và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp CPH chính thức chuyển thành công ty cổ phần...

Tuy nhiên, theo đại diện Vinawaco, cho đến hết tháng 7/2019, sau hơn 5 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn tất những thủ tục quan trọng này để chính thức khép lại quá trình CPH, đồng thời đẩy doanh nghiệp vào trạng thái “tê liệt”.

“Việc chậm trễ trong việc quyết toán vốn lần 2 để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản”, ông Tuấn cho biết.

Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết, cổ đông Nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm khi không biểu quyết thông qua việc giảm, thoái vốn tại 6 công ty liên kết sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả hoặc thanh lý các tài sản, thiết bị hư hỏng, không phù hợp, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, trong khi đơn vị vẫn phải è lưng bỏ chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Tính toán sơ bộ của Vinawaco, chi phí duy tu, bảo dưỡng và khấu hao các đoàn tàu hút, nạo vét lạc hậu, kém hiệu quả để chúng không bị xuống cấp thêm, thậm chí là chìm đắm lên tới hơn 80 tỷ đồng/năm.

Lệch pha

Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vinawaco đề nghị Bộ GTVT trong giai đoạn chưa quyết toán vốn lần 2, cho phép đơn vị được toàn quyền thoái vốn tại 7 công ty liên kết kinh doanh kém hiệu quả, thu hồi một phần vốn đầu tư tài chính dài hạn cũng như tổ chức thanh lý tài sản, phương tiện, thiết bị không khai thác được hoặc kém hiệu quả để giảm tổn thất.

HĐQT Vinawaco cũng muốn Bộ GTVT sớm cử người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty theo đúng quy định vì từ ngày 1/9/2018 đến nay, vị trí này vẫn để trống.

Đến hết tháng 7/2019, sau hơn 5 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn tất thủ tục để chính thức khép lại quá trình cổ phần hóa, đẩy Vinawaco vào trạng thái “tê liệt”.
Trong công văn số 7418/BGTVT - QLDN, Bộ GTVT cho biết, quá trình xử lý các tồn tại tài chính vốn phát lộ dần trong giai đoạn hậu CPH gặp nhiều vướng mắc là một trong những lý do khiến việc quyết toán xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần không đảm bảo yêu cầu.

Cụ thể, nhiều khoản công nợ của Vinawaco chưa được ghi nhận trong phương án CPH, trong đó có khoản nợ trị giá 53 tỷ đồng từ Vietcombank kéo dài suốt 22 năm, mất rất nhiều thời gian đối chiếu, xác nhận; hướng xử lý nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT. Một số khoản nợ của Vinawaco trong giai đoạn tiền CPH, dù nhận được hướng dẫn xử lý của Bộ Tài chính, nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của nhóm cổ đông lớn hiện hữu.

Có thể bạn quan tâm

  • Vinawaco

    Vinawaco "dềnh" lên nhiều khoản nợ sau 4 năm cổ phần hóa

    06:00, 10/09/2018

  • Thực hư số lỗ của Vinawaco?

    Thực hư số lỗ của Vinawaco?

    12:01, 12/08/2018

Bộ GTVT cũng cho biết là vào tháng 7/2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ theo dõi tình hình thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến đề nghị cho phép Tổng công ty được toàn quyền thoái vốn tại công ty liên kết, thanh lý tài sản không hiệu quả, Bộ GTVT cho rằng, các kiến nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của Vinawaco.

“Hiện nay, Bộ GTVT chỉ là một cổ đông tại Vinawaco, có các quyền và nghĩa vụ của cổ đông; không có thẩm quyền chấp thuận đối với hoạt động thoái vốn, bán các tài sản của doanh nghiệp, nếu vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT, Tổng giám đốc”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, Bộ GTVT trả lời như thế này là làm khó cho Ban điều hành và HĐQT Tổng công ty, bởi với việc nắm 36,62% vốn điều lệ, Bộ GTVT có quyền phủ quyết các chủ trương lớn liên quan đến thoái vốn và thanh lý tài sản.

“Trên thực tế, cổ đông Nhà nước đã nhiều lần có văn bản phủ quyết các đề xuất có nội dung tương tự, gây nhiều khó khăn trong hoạt động điều hành của đơn vị”, ông Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh doanh của Vinawaco: Tê liệt vì cổ đông không đồng điệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO