Kinh doanh đa cấp: Nghịch lý số lượng doanh nghiệp sụt giảm, doanh thu vọt tăng cao

Tiến Dũng 17/01/2024 11:47

Năm 2015, số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép là 67, doanh thu đạt 2000 tỷ đồng, nay số lượng doanh nghiệp chỉ còn 20 nhưng doanh thu lại tăng vọt lên mức 21.000 ngàn tỷ đồng.

Ông Võ Đan Mạch – Tổng Thư ký Hiệp hội Ban hàng đa cấp Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 30/10/2023, trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép hoạt động.

Ngay khi bước chân vào Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã được Chính phủ, Bộ Công thương ban hành nhiều chính sách để quản lý. Đặc biệt nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp đi vào ổn định, hiệu quả, Ngày 14/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị Định 42/2014/NĐ-CP trong đó quy định chi tiết về phương thức hoạt động cũng như quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 2015 có 67 doanh  nghiệp bán hàng đa cấp được Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động. 

Nhận xét về giai đoạn này, Bà Trương Thị Nhi – Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp khẳng định đây là thời điểm có số lượng các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép kinh doanh đông nhất. Bà Nhi cũng nhấn mạnh chỉ khi được cấp phép các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp mới được coi là hoạt động hợp pháp và đúng luật. Các doanh nghiệp khác nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa được cấp giấy phép hoạt động thì bị cho là bất hợp pháp.

Mặc dù đã có những quy định và Luật điều chỉnh, tuy nhiên, trong giai đoạn ban đầu, cùng với sự phát triển của các DN bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển nở rộ. Rất nhiều vụ việc liên quan đến các DN đa cấp bất chính đã gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước thực trạng này, nhằm chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, đưa hoạt động kinh doanh này về chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, ngày 12/03/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời với những quy định hết sức chặt chẽ nên chỉ có những doanh nghiệp có thực lực, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp mới được cấp giấy phép hoạt động. Nghị định giúp đề cao vai trò của kinh doanh đa cấp chân chính, nhận diện, ngăn chặn và loại bỏ đa cấp bất chính, làm ăn chụp giật, lừa đảo.

Tại thời điểm một năm sau Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị tước giấy phép tang cao kỷ lục do không đáp ứng được các tiêu chí mà Nghị định đặt ra. Tính đến cuối năm 2019 số lượng DN được cấp phép chỉ còn là 26 doanh nghiệp, tức là số lượng giảm gần 2/3. Đến thời điểm cuối năm 2023 số lượng doanh nghiệp được cấp phép tiếp tục giảm và chỉ còn 20 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép.

Lý giải về sự thụt lùi này, ông Võ Đan Mạch - Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính là ngày càng các tiêu chí, quy định về hoạt động đa cấp ngày càng bị siết chặt, trong khi nhiều doanh nghiệp dù đã được cấp phép trước đây nhưng do một số vi phạm, thậm chí là không đáp ứng được các tiêu chí mới nên bị Bộ Công thương tước giấy phép và cho ra khỏi cuộc chơi.

Doanh nghiệp đa cấp ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với mọi mặt đời sống tiêu dùng.

Doanh nghiệp đa cấp ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với mọi mặt đời sống tiêu dùng.

Để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp, một doanh nghiệp buộc phải trả qua “vòng thi năng lực” khá hóc đó là: phải có vốn điều lệ tối thiếu từ 10 tỷ đồng trở lên, phải đặt cọc hay còn gọi là ký quỹ tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên, phải có hạ tầng kỹ thuật, mà ở đây là hạ tầng Công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, phải có Đề án hoạt động doanh nghiệp, phải có Kế hoạch và Chương trình đào tạo cơ bản…. và hàng loạt các yêu cầu khác không dễ thực hiện.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp, để được hoạt động tai các địa phương, các doanh nghiệp còn phải tuân theo nhiều quy định hành chính với chi phí lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Mạch dẫn chứng một ví dụ đó là nếu muốn hoạt động ở tỉnh nào thì doanh nghiệp buộc phải có trụ sở và người đại diện thường trực ở đó. Ngay việc duy trì này cũng đã tốn của doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng như trường hợp của Amway hay Herbalife mỗi năm. Đây là chi phí mà chỉ có doanh nghiệp quy mô lớn mới tồn tại được.

Tuy số lượng doanh nghiệp giảm, song doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng. Năm 2021, doanh thu ngành đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Năm 2022, doanh thu ngành đạt 21.110 tỷ đồng, tăng 10,51% so với năm 2021.

“Như vậy, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp trong 5 năm qua có xu hướng tăng liên tục với tỉ lệ tăng trưởng khá cao. Đóng góp của ngành vào nguồn thuế nộp ngân sách Nhà nước là 2.434 tỷ đồng”– Một lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.

Lý giải về việc trước đây số lượng doanh nghiệp được cấp phép lên tới 67 nhưng tổng doanh thu cộng lại cũng chỉ được hơn 2000 tỷ đồng,  nhưng đến nay số lượng giảm gần 2/3 nhưng tổng doanh thu của 20 doanh nghiệp được cấp phép lại tăng gấp hơn 10 lần lên con số hơn 21.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Phương Sơn – Trưởng ban Truyền thông - Đối ngoại Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng: “Trước đây đa cấp là lĩnh vực mới, quy đinh và chế tài xử phạt còn nhiều kẽ hở xuất hiện nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật gây mất lòng tin trong nhân dân dẫn đến số lượng người tham gia hạn chế, doanh thu thấp. Hiện nay luật bán hàng đa cấp minh bạch, nhiều chế tài bảo vệ người tiêu dùng được áp dụng nên số lượng người tham gia tăng lên nhanh chóng dẫn dến doanh thu tăng cao đột biến. Ngoài ra việc các doanh nghiệp đa cấp ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với mọi mặt đời sống tiêu dùng nên ngày càng có nhiều người sử dụng cũng dẫn đến lượng hàng hóa tiêu thụ liên tục tăng cao’.

Theo bà Hoàng Thị Thu Trang - Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia thì việc đặt ra các quy định ngặt nghèo khi cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp là nhằm ngăn chặn, loại bỏ những doanh nghiệp yếu, không đủ năng lực, loại bỏ những doanh nghiệp thiếu sự bài bản, chuyên nghiệp, những doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ, chụp giật bất chấp pháp luật, lừa đảo người tiêu dùng liên tục diễn ra thời gian qua, gây mất lòng tin và bức xúc trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh doanh đa cấp: Nghịch lý số lượng doanh nghiệp sụt giảm, doanh thu vọt tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO