Mua bán thực phẩm tươi sống online đang trở thành xu hướng ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Việc mua sắm hàng hóa trên các kênh trực tuyến đã không còn xa lạ với người tiêu dùng hiện đại, tuy nhiên việc mua thực phẩm tươi sống trên chợ online vẫn chưa phổ biến.
Thực phẩm tươi sống rầm rộ “lên sàn”
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, trong đó các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Các nhà bán hàng đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, triển khai cung cấp đa dạng các sản phẩm thực phẩm cùng với các hình thức thu hút người tiêu dùng như: Livestream (phát trực tiếp) bán hàng, giao hàng nhanh chóng…
Do đó, hiện nay người tiêu dùng có nhiều kênh mua sắm thực phẩm tươi sống trực tuyến, từ các sàn TMĐT như Lazada, Shopee đến các ứng dụng di động như ví điện tử, VinID…
Theo Shopee Việt Nam, lượng giao dịch trong ngành hàng thực phẩm trên sàn TMĐT này tăng cao trong những tháng gần đây. Số lượt người dùng thường xuyên đặt mua thực phẩm trên Shopee trung bình mỗi tháng tăng hơn 3 lần so với so với trước khi có dịch Covid-19.
Tương tự, Lazada Việt Nam cũng ghi nhận phản hồi tốt từ phía khách hàng với dịch vụ cung cấp thực phẩm tươi sống trên sàn TMĐT. Sagrifood - Một trong những doanh nghiệp bán lẻ trên sàn TMĐT này cho biết, trong đợt khuyến mãi diễn ra vào tháng 6 vừa qua của Lazada, doanh nghiệp đã ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 40 lần so với ngày thường.
Khi Saigon Co.op triển khai bán mặt hàng vải thiều tươi trên ví điện tử Momo vào đầu tháng 6 cũng đã nhận được ủng hộ của số đông người tiêu dùng và bán hết gần 50 tấn vải trong vòng 10 ngày đầu tiên. Saigon Co.op đặt mục tiêu đưa toàn bộ ngành hàng tươi sống trên kênh online, không chỉ trên Momo mà còn qua Grab, Now và phát triển ứng dụng Saigon Co.op.
Chị Trần Hương Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi luôn giữ thói quen mua trực tiếp thực phẩm tươi sống tại chợ hoặc siêu thị, nhưng trong thời gian hạn chế ra ngoài do dịch, tôi đặt mua hàng trên một số trang TMĐT và thấy chất lượng thực phẩm tốt, từ đó tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ này vì tiện lợi, có thể tiết kiệm thời gian”.
Theo các nhà bán lẻ, phương thức mua bán thực phẩm online mang lại sự tiện lợi cho cả người mua và người bán. Người tiêu dùng không cần trực tiếp đến cửa hàng, siêu thị để mua sắm và có thể thanh toán nhanh chóng bằng hình thức trực tuyến. Cùng với đó, nhà phân phối có thể dựa trên sản lượng đặt hàng để chủ động chuẩn bị nguồn hàng cung cấp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí.
Chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng dịch vụ
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ tốt cho sức khỏe. Với việc chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng cũng tăng nhu cầu về việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chất lượng tốt.
Vì vậy, một kênh bán hàng muốn thu hút được sự quan tâm và giữ chân khách hàng lâu dài cần đảm bảo đủ các yếu tố về chất lượng sản phẩm, dịch vụ thuận tiện, như vậy mới khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua thực phẩm trực tiếp mà đẩy mạnh mua đồ tươi sống trực tuyến. Điều này đòi hỏi sự liên kết giữa các sàn TMĐT với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm.
Đại diện Lazada cho biết, để phát triển ngành hàng mới, yếu tố tươi ngon, an toàn của sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bán trên sàn đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng nhận GlobalGAP, VietGAP… Người tiêu dùng có thể thấy nhà cung cấp là các thương hiệu thực phẩm uy tín như: Meat Deli, Mega Việt Phát, Foodmap… Việc sàn online cung cấp sản phẩm chất lượng không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn đảm bảo uy tín cho các nhà cung cấp thực phẩm. Đặc biệt, các kênh kinh doanh thực phẩm trực tuyến cũng góp phần hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản của bà con nông dân.
Các sàn TMĐT cũng chú trọng nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng đồng thời giảm bớt chi phí giao hàng. Cụ thể, nhiều kênh bán hàng đã và đang đẩy mạnh tương tác với các nhà bán hàng về mặt số hóa nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Như Shopee có công cụ Shopee Live để người bán giới thiệu các sản phẩm mới thông qua livestream, tận dụng thời gian thu hút người xem và thúc đẩy doanh số bán hàng. Các doanh nghiệp thực hiện các phương án nhằm tối ưu việc giao hàng đến tay người tiêu dùng như: xây dựng lộ trình đường đi hợp lý, ưu tiên sắp xếp các mặt hàng đặc biệt…, từ đó đảm bảo thời gian và chất lượng giao nhận hàng hóa.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nhận định, cần đầu tư để chuẩn hóa trọng lượng, quy cách sản phẩm để thuận tiện trong việc nhận đơn hàng, đóng gói, giao hàng. Đơn cử, Saigon Co.op đang làm việc với các nhà cung cấp để từng bước chuẩn hóa, cho khách hàng làm quen với cách thức bán hàng mới, tăng tỉ lệ hàng hóa đóng gói sẵn để tiến tới tham gia sâu hơn vào kênh bán hàng trực tuyến.
Các chuyên gia dự báo, kênh trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn kênh truyền thống do đó trong thời gian tới các nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp sẽ tăng liên kết để tạo ra hệ sinh thái đa kênh.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh online: Cơ hội cho khởi nghiệp siêu nhỏ
04:49, 02/06/2020
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, giới kinh doanh online tại Việt Nam cần lưu ý
05:08, 06/06/2020
In theo yêu cầu dropshipping-cơ hội kinh doanh online của startup Việt
11:31, 11/06/2020
Kinh doanh online, bài toán khởi nghiệp hiệu quả của bà mẹ bỉm sữa
22:33, 01/12/2019