Yếu tố then chốt để thay đổi, tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp vận tải chính là chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
>>Lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải, tốn kém nghìn tỷ, nhưng ít hiệu quả
Đó là chia sẻ của ông Khúc Hữu Thanh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Vận tải hành khách vốn là lĩnh vực huyết mạch của một quốc gia. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp có xu hướng tăng trở lại. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng doanh nghiệp hiện nay hoạt động trong lĩnh vực này?
Sau đại dịch COVID –19 và xung đột vũ trang Nga - Ukraine, nền kinh tế trong, ngoài nước đều rơi vào trạng thái khó khăn. Khi các lĩnh vực kinh tế trì trệ, sợi dây kết nối cũng kém tuần hoàn hơn. Theo một con số thống kê có tới 90% doanh nghiệp vận tải rơi vào khủng hoảng, thua lỗ, cầm cự.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, bình quân có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Trong số trên, có hàng nghìn doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực ôtô - vận tải - giao thông.
Để trụ vững giai đoạn sóng gió, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn nhỏ tái cơ cấu đầu tư, cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự, bán bớt tài sản để xoay vòng vốn, trả lãi ngân hàng...
- Trong cơn bão “suy thoái” như vậy, phía doanh nghiệp đã có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thưa ông?
Kinh doanh vận tải hiện khó khăn bội phần. Do đó, cắt giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí tăng lợi nhuận, chúng tôi đã đầu tư thêm dòng xe chất lượng cao nhằm tăng chất lượng dịch vụ vận tải cho hành khách, đa dạng hoá các loại hình vận tải nhằm thích nghi với nhu cầu và phát triển trị trường vận tải, tạo giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp từ việc tập trung 3 chân kiềng: “Chất lượng phương tiện - Con người - Công nghệ”.
Ttrong nền kinh tế số, để có thể đứng vững và phát triển trên thị trường vận tải, thay đổi về công nghệ được xem là nền tảng quyết định sự phát triển của loại hình vận tải này. Hiện, chúng tôi tập trung phát triển và áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý; tạo thói quen mới cho khách hàng đặt xe, đặt vé qua hệ thống Web, App của doanh nghiệp.
Theo đó, trước đây, muốn mua vé xe khách, khách hàng phải đến bến xe xếp hàng đợi mua vé. Việc này tốn khá nhiều thời gian và chi phí đi lại. Khi công nghệ số được ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, thay vì ghi danh sách khách hàng đặt vé vào sổ thì nay dữ liệu khách hàng được cập nhật trên phần mềm điện tử. Điện thoại bàn được chuyển sang số hotline tích hợp tổng đài.
Việc ứng dụng công nghệ số trong vận tải hành khách cũng đã tạo nên những thói quen mới ở cả doanh nghiệp vận tải và hành khách. Doanh nghiệp có thêm khách hàng, tăng doanh thu, người dân đi lại đã thuận tiện hơn nhiều. Việc đưa công nghệ vào các hoạt động của lĩnh vực vận tải cũng giúp minh bạch thông tin về giá cả, cung đường, giờ chạy…
- Vậy theo ông, đây có phải là bước đệm để hình thành nên các “Bến xe số”?
Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều về “Bến xe số”. Bởi khách hàng hiện đại họ sẵn sàng một thêm một phần chi phí để di chuyển nhanh, an toàn, tiết kiệm thời gian và thoải mái. Do đó, nếu chúng ta không chủ động thay đổi theo nhu cầu của khách hàng, thì họ sẽ tự động bỏ chúng ta. Ở góc độ quản lý Nhà nước cũng khó kiểm soát hơn khi nhiều đơn vị họ muốn phục vụ nhu cầu thực tế của khách hàng, thì kiểu gì cũng tìm cửa để “lách” luật.
Ngoài ra, việc hình thành “Bến xe số” thay thế dần bến xe cố định - bến xe tĩnh sẽ giảm áp lực giao thông thành phố, tăng thêm được quỹ đất cho cơ quan từ những bến xe cũ... Và sẽ có hàng loạt những lợi ích kép khác sẽ xuất hiện...
Hiện nay đã có ngân hàng số, smart gate, tự động hoá sản xuất ở nhà máy thông minh… Và nếu các doanh nghiệp vận tải hành khách chủ động trong việc ứng dụng chuyển đổi số thì “Bến xe số” chắc chắn sẽ là một sản phẩm hữu ích trong tương lai. Tuy nhiên, để hình thành được “Bến xe số” này, cần phải nhanh khắc phục được những bất cập về sự đồng bộ trong chuyển đổi số, thay đổi về phương thức kinh doanh trong tư duy cũ.
- Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu, kế hoạch của Đất Cảng trong thời gian tới?
Gắn bó với ngành vận tải đã 20 năm, trải qua nhiều năm quản lý và kinh doanh vận tải các loại từ taxi, xe tuyến cố định, xe hợp đồng… tôi hiểu rằng, khách hàng ngày càng “khó tính” hơn khi lựa chọn các sản phẩm dịch vụ. Họ vô cùng am hiểu, thông minh và có nhiều sự lựa chọn bởi sự cạnh tranh của thị trường. Do đó, các loại hình vận tải hay dịch vụ ngày càng phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Riêng với vận tải hành khách, cái “Tầm” của doanh nghiệp không chỉ là những chiến lược dài hạn mà còn là sự tinh tế trong cách phục vụ hành khách từ những nhu cầu nhỏ nhặt, bình dị nhất như: Wifi, cổng sạc điện thoại, nước uống, khăn ướt… Sự hài lòng của khách hàng là thước đo của thành công.
Và yếu tố then chốt để thay đổi và tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp vận tải chính là chuyển đổi số một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trong thời gian tới, doanh nghiệp chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia vào những dự án chuyển đổi số trong ngành vận tải và nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào con người và nâng tầm thành nguồn vốn quý giá giúp công ty tạo ra doanh thu, thúc đẩy phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải, tốn kém nghìn tỷ, nhưng ít hiệu quả
05:00, 10/10/2023
Cần luật hoá hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ
04:00, 05/09/2022
Kiến nghị bỏ lắp camera trên xe kinh doanh vận tải: Giải tỏa gánh nặng cho doanh nghiệp
09:10, 09/04/2022
Một số đề xuất cắt giảm quy định kinh doanh vận tải chưa phù hợp
04:30, 04/06/2021
Lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề: Thêm thủ tục hành chính không cần thiết
05:10, 04/10/2020
Kinh doanh vận tải, có cần “gánh” nhiều tầng quản lý?
04:50, 30/09/2020