Các chuyên gia kinh tế nhận định, động lực tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công và ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng.
Bình luận về triển vọng tăng trưởng trong 3 năm tới 2021-2023, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng: "Nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định".
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra có thể phải dùng các nỗ lực kích thích tài khóa về tiền tệ. Tuy nhiên, như vậy sẽ gây ra các rủi ro khác cho nền kinh tế, đặc biệt là rủi ro liên quan tới lạm phát và bong bóng giá tài sản. Theo vị này, động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần.
--> Xem thêm TẠI ĐÂY.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, Chính phủ đang điều hành quyết liệt, kịp thời và đặc biệt có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo ông Doanh, ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp còn hoạt động.
“Chính phủ ban hành Nghị định số 52, theo đó lần thứ 3 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tôi cho rằng, đây là một chính sách tốt và được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận”, ông Doanh nói.
Có thể bạn quan tâm