"Liên minh taxi Việt" - tập hợp của 17 hãng taxi trên cả nước, đang có kế hoạch chiếm lĩnh lại thị trường.
Không dừng lại ở đó, để cạnh tranh với Grab về mặt công nghệ, liên minh cho biết sẽ hoạt động trên nền tảng công nghệ Emddi - như một ứng dụng gọi xe, do các nhà khoa học của Đại học quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển.
Điều đó cho thấy, Nền tảng – platform mô hình kết nối giữa người mua và người bán đang trở nên thách thức với Việt Nam trên các phương diện luật pháp, quản lý thuế. Các nền tảng kết nối dựa trên internet, mobile, apps có khả năng hoạt động xuyên biên giới. Các giao dịch diễn ra trên nền tảng kết nối không hữu hình dẫn tới việc kiểm soát rất khó khăn đối với các chính phủ trên toàn thế giới. Có thể nói nền tảng là một thách thức hình thức doanh nghiệp theo phương thức mới so với các luật pháp và quy định truyền thống đòi hỏi chúng ta cần thay đổi phương thức và công cụ quản lý.
Mấu chốt của vấn đề là chưa xác định được Grab là công ty vận tải hay chỉ là ứng dụng phần mềm. Trên thực tế, Grab có hướng dẫn cho lái xe tham gia vào mạng lưới, thu tiền của khách hàng, quy định mức cước cho từng quãng đường, thời điểm, nó giống như một công ty vận tải. Tòa Án châu Âu đã phán quyết nó là công ty vận tải. Nhưng ở VN đây là điều đang tranh cãi, Grab không muốn thành công ty vận tải. Vậy nó nên là công ty gì? Chưa ai trả lời, dù theo QĐ 24/2016 của Bộ GTVT, ứng dụng Grab được thí điểm trong 2 năm và hết hạn vào tháng 1/2018. |
Siêu nền tảng hay siêu “đe dọa”?
Grab là nền tảng kết nối giữa xe và người sử dụng đã vào Việt Nam trong 4 năm nay. Hiện tại Grab đang chuyển đổi sang siêu nền tảng – kết nối rất nhiều dịch vụ giữa người mua và người cung cấp. Grab là một đe đọa với nền kinh tế Việt Nam khi họ hút tiền khỏi nền kinh tế nhưng hầu như không đóng góp gì vào cơ sở sản xuất, phát triển nhân lực, đầu tư về tài chính hay chuyển giao công nghệ. Điều này trái ngược hoàn toàn với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam khi họ phải phát triển các nguồn lực hữu hình. Về doanh số chỉ tính 60 ngàn xe taxi tại hai thành phố lớn TP HCM và Hà Nội Grab đã thu trung bình 200 ngàn trên một xe tương ứng 1 ngày là 12 tỷ. Tổng doanh thu chỉ tính trên xe ô tô là 4.380 tỷ đồng một năm chưa tính các dịch vụ khác như xe máy, giao hàng.
Grab sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế Việt Nam trên chiều hướng tiêu cực khi họ tiếp tục triển khai các dịch vụ hút tiền nhiều hơn và không đầu tư bất kỳ một nguồn lực hữu hình nào cả. Đích nhắm cuối cùng của Grab chính là thị trường bán lẻ và ngân hàng – hai cột trụ chính của nền kinh tế Việt Nam. Sở hữu lực lượng giao nhận hùng hậu phủ sóng kín các thành phố lớn cùng hệ thống thanh toán, Grab dễ dàng làm câu chuyện tương tự với toàn bộ hệ thống bán hàng. Các doanh nghiệp bán hàng sẽ sử dụng Grab tương tự như Grab Food.
Grab sẽ dễ dàng phát hành Grab Credit một dạng cho vay tài chính tương tự cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng hiện tại. Ví dụ mỗi cá nhân sẽ được cấp hạn mức 20 triệu tiền Grab tương ứng 20 triệu đồng Việt Nam. Đồng tiền Grab này sẽ mua được các loại dịch vụ và hàng hóa trong hệ sinh thái Grab. Chỉ khi nào mua và thanh toán chậm sau 45 ngày thì sẽ phát sinh lãi giống như các thẻ tín dụng. Đây là sản phẩm tài chính sẽ đe dọa tới ngân hàng, chủ quyền tiền tệ của quốc gia.
Về vận hành, Grab chỉ kết nối hai bên cung và cầu thông qua ứng dụng hoàn toàn online. Điều đó dẫn tới Grab rất khó kiểm soát hai bên trong cuộc sống thực. Đối với khách hàng khi có khiếu nại dịch vụ không biết ở đâu, ai giải quyết, quyền lợi của mình như thế nào. Đối với nhà cung cấp dịch vụ, Grab rất khó kiểm soát nhà cung cấp đảm bảo dịch vụ an toàn, tiện lợi và đúng quy định như kỳ vọng của khách hàng. Các vấn đề này sẽ còn phát sinh ra nhiều khi Grab bành trướng ra các dịch vụ khác. Ví dụ với Grab Food, các vấn đề vệ sinh thực phẩm, an toàn sẽ được kiểm soát như thế nào khi giao nhận hàng hóa cho khách hàng.
Hóa giải cách nào?
Trong vận hành thời gian gần đây, tính độc quyền và chèn ép cả người dùng lẫn khách hàng đã bắt đầu thể hiện rõ trong nền tảng kết nối. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng chúng ta cần suy nghĩ và hạn chế sự bành trướng của Grab trong nền kinh tế. Theo thời gian , các mặt hạn chế từ độc quyền của Grab sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi họ chiếm thị phần lớn theo thời gian.
Vấn đề cuối cùng đó chính là đảm bảo hạ tầng của một quốc gia. Khi Grab “bành trướng” rộng rãi và kiểm soát các ngành như giao thông, giao hàng thì câu chuyện an toàn hạ tầng sẽ như thế nào với Việt Nam? Giả sử có dịch bệnh các thảm họa xẩy ra điều gì đảm bảo rằng các tài xế Grab - những cá nhân độc lập sẽ vẫn hoạt động đảm bảo cho nền kinh tế và xã hội vận hành. Đối với taxi thông thường, vấn đề này giải quyết được tuy nhiên với các hạ tầng rất khó khăn.
Các nền tảng với sức mạnh công nghệ vô hình, các khoản tài chính đầu tư vô cùng lớn song song với khả năng nhân rộng thông qua các công nghệ như cloud, mobile, dữ liệu lớn , AI , tự động hóa sẽ là những siêu doanh nghiệp có quyền lực lớn hơn cả một quốc gia trong kiến tạo và áp đặt cuộc chơi theo quy luật độc quyền từ quy mô. Thế giới phẳng không bao giờ phẳng khi những doanh nghiệp có công nghệ, tài chính vượt trội sẽ luôn luôn dẫn đầu và tạo ra những lợi nhuận khổng lồ và chiếm giữ thị phần chi phối trong các linh vực hoạt động ảnh hưởng tới một ngành, một dân tộc hay một quốc gia.
Kỳ 2: Giải pháp kiểm soát?