Công nghệ ngày càng trở nên thông dụng và khiến chi phí ngày một rẻ do vậy Việt Nam cần phải nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra những biện pháp quản lý kinh tế nền tảng hiệu quả.
Thẳng thắn mà nói, các doanh nghiệp taxi như Mailinh, Vinasun... xứng đáng với kết cục mà họ nhận ngày hôm nay khi họ không xử lý các cảnh báo từ rất sớm về mối đe dọa của taxi công nghệ. Tất cả các thành tố trong xã hội cần học cách làm việc, chung sống và quản lý nền tảng. Thay vì lẩn tránh hay chối bỏ thông qua các mệnh lệnh hành chính hoặc các các ứng xử như kiện ra tòa, chúng ta phải chủ động quản trị nó hiệu quả.
Quản trị nhà nước
Trên phương diện nhà nước, kiểm soát các nền tảng cần tập trung kiểm soát toàn bộ quá trình số hóa triển khai dịch vụ. Một khi nhà nước kiểm soát được các giao dịch số thì sẽ kiểm soát được 100 % hoạt động của các nền tảng. Điểm yếu nhất của chúng ta đó chính là chưa số hóa 100% dòng tiền tiêu dùng cá nhân. Nếu tất cả mọi cá nhân đều sử dụng ví điện tử thanh toán thì câu chuyện truy xuất doanh thu tính thuế như của Grab sẽ rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh chóng việc tính thuế thu nhập cá nhân triệt để hàng năm như các quốc gia phát triển. Khai thuế cá nhân cho tất cả các cá nhân sẽ gián tiếp thúc đẩy việc kiểm soát chi tiêu của mỗi cá nhân do họ phải tính khấu trừ các khoản chi phí hợp lý trong tháng tương ứng với hóa đơn điện tử cho các dịch vụ như của Grab hay một nền tảng công nghệ nào đó. Đứng trên quan điểm này, các nền tảng lại là một lực đẩy cho việc thanh toán và kiểm soát thuế cá nhân minh bạch trong xã hội gia tăng nguồn thu thuế cá nhân.
Vấn đề tiếp theo, Chính phủ cần nhận thức các nền kinh tế nền tảng sớm muộn cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo. Do vậy, Chính phủ cần cởi trói giúp cho các doanh nghiệp truyền thống như Mailinh, Vinasun... chuyển đổi hoàn toàn sang nền tảng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; nên có các chương trình hỗ trợ như giảm thuế, giãn thuế... giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi từ truyền thống sang nền tảng. Chính phủ đang thúc đẩy rất nhiều chương trình quốc gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vì thế các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp truyền thống cần hợp lực nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp nền tảng nước ngoài.
Chính phủ cũng cần nhanh chóng nghiên cứu tạo ra các rào cản kỹ thuật, đơn cử để lái được taxi thì phải cần một khoảng thời gian tối thiểu có bằng lái xe để đảm bảo thuần thục nghề lái...
Một góc độ khác cần nhận thức đó chính là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên nền tảng Apps. Trong lịch sử, Microsoft đã bị phán quyết không được cài đặt sẵn phầm mềm duyệt web internet explore tích hợp sẵn với Windows tạo ra những lợi thế cạnh tranh với các trình duyệt khác không phải của Microsoft. Tương tự, Apps Grab cần phải được mở cho mọi giải pháp thanh toán điện tử tại Việt Nam thay vì độc quyền qua một ví điện tử mà Grab đang sử dụng.
Có lẽ các chính sách phải dựng rào cản tách biệt ngành taxi truyền thống và taxi công nghệ riêng biệt. Nếu tách ra như vậy thì Grab trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần cao trong một ngành và phải chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 13/12/2018
02:26, 14/11/2018
11:03, 01/11/2018
11:30, 02/09/2018
Và nền tảng doanh nghiệp, khách hàng
Về phía doanh nghiệp, đây là đối tượng đầu tiên cần nhận thức nền tảng là bắt buộc. Trong thời gian qua 17 hãng taxi cùng sử dụng công nghệ của startup Việt Nam là một ví dụ tốt khi hợp lực là con đường nhanh nhất hiệu quả nhất triển khai công nghệ cạnh tranh nền tảng nước ngoài. Các doanh nghiệp cần theo dõi và triển khai các giải pháp công nghệ kịp thời để tránh thoát khỏi những bi kịch như Mai Linh hay Vinasun. Trong thời gian chuyển đổi, các doanh nghiệp truyền thống cần tập trung vào chất lượng dịch vụ khách hàng, triệt để cắt giảm các chi phí hay các hoạt động không cần thiết. Ngay chính các tài xế của Mai Linh và Vinasun cũng đã từng chia sẻ rằng doanh nghiệp thực sự có thể cắt giảm chi phí hoạt động xuống nhiều hơn nữa nếu lãnh đạo có thể chuyển đổi từ truyền thống sang nền tảng.
Nhân tố thứ 3 trong xã hội đó chính là khách hàng. Tuy nhiên, các công ty cần đảm bảo chất lượng của họ phải ở mức 70-80 % so với doanh nghiệp cạnh tranh. Người tiêu dùng có thể sử dụng dịch vụ vì lòng yêu nước nhưng họ không thể hy sinh tất cả cho một dịch vụ kém chất lượng.
Hơn nữa, quản trị nền tảng sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai khi mọi ngành nghề đều có thể áp dụng mô hình kết nối cung cầu. Tuy vậy, vai trò quan trọng nhất bao giờ cũng là vai trò của nhà nước kiến tạo. Nhà nước sẽ phải tạo ra những định hướng và cách thức kiểm soát nền tảng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải tự chuyển hóa chính mình sang nền tảng nếu không muốn bị nguy kịch như Mailinh hay Vinansun. Tuy vậy, Chính phủ không ai khác là trọng tài lớn nhất đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển cùng với nền tảng – cách thức vận hành của nền kinh tế tương lai.