Facebook đang cố gắng trấn an dư luận rằng công ty đang làm mọi cách để bảo vệ tính minh bạch của cuộc bầu cử.
Kinh tế số tuần qua: Facebook trước làn sóng tấn công
Một nhóm các học giả, các chuyên gia nhân quyền và các nhà đấu tranh chính trị đã dành cả tháng qua để gây áp lực với Facebook, nhằm ép họ tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống tin giả, đàn áp bỏ phiếu và tin thù ghét trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ.
Khi mà thời hạn bỏ phiếu chỉ còn tính bằng ngày, nhóm có tên gọi Real Facebook Oversight Board (Ban Giám sát Thực thụ của Facebook) lên tiếng còn nhiều hơn trước. Cần lưu ý rằng đây là một nhóm tự phát và Facebook thực sự có một ban giám sát (Oversight Board) chính thống của mình.
Trích lời Carole Cadwalladr, phát ngôn viên của nhóm: “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là trở thành cái gai trong mắt Facebook.”
Tháng trước, nhóm được thành lập như một “phản hồi khẩn cấp trước một tình huống khẩn cấp.” Cadwalladr cho rằng theo quan điểm của nhóm, Facebook đã thất bại trong việc áp dụng các chính sách trong thời gian bầu cử. Kể từ đó, nhóm yêu cầu Facebook phải nỗ lực hơn bằng cách xoá các bài đăng đưa tin một trong hai ứng cử viên đã trúng cử, và áp chế mạnh mẽ hơn các bài đăng gây thù ghét và xung đột.
Nhóm đã tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến, bao gồm buổi truyền hình trực tiếp phiên điều trần của Mark Zuckerberg vào hôm thứ 4. Tuần này, nhóm tổ chức một cuộc đối thoại với một nhân viên kiểm soát nội dung ở Facebook và hai cựu nhân viên, những người đã chia sẻ những khó khăn khi phải kiểm soát hành vi của hơn 2 tỷ người dùng.
Allison Trebacz, người đã làm việc tại Facebook trong giai đoạn 2017 - 2018, tỏ ra lo lắng về chiến lược của công ty trong giai đoạn bầu cử. Cô chưa từng lãnh trọng trách kiểm soát nội dung khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra và không còn nắm tình hình nội tại ở Facebook. Nhưng cô ấy biết cảm giác của một người đứng tuyến đầu. Cô nói rằng lỗ hổng của chính sách và những câu hỏi không có lời đáp đôi khi khiến công việc của một kiểm duyệt viên trở nên khó không tưởng. “Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn.”
Mặc dù vậy, Facebook đang cố gắng trấn an dư luận rằng công ty đang làm mọi cách để bảo vệ tính minh bạch của cuộc bầu cử. Công ty thường xuyên ra báo cáo về các biện pháp ngăn chặn việc lan truyền tin giả cũng như thắt chặt chính sách về quảng cáo chính trị và công bố kế hoạch đối phó khi có bất kì ứng cử viên nào công bố chiến thắng trước khi có kết quả chính thức.
Facebook không đề cập tới các cuộc tấn công công khai của nhóm tự phát này, mà thay vào đó họ nói nhiều về Ban Giám sát chính thức của mình, nơi mà người dùng có thể khiếu nại khi bài đăng của mình bị xoá mà theo họ là có sự nhầm lẫn. “Những nhóm tự phát đó chỉ biết chỉ trích Facebook, còn ủy ban của chúng tôi mới thực sự làm công việc của mình” - trích lời Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook.
Ban Giám sát chính thức của Facebook thông báo trong tuần qua sẽ tiến hành kháng cáo các phiên điều trần ngay lập tức. Về mặt lý thuyết, nhóm sẽ sớm đưa ra các giải pháp để Facebook kiểm soát tốt hơn các nội dung độc hại. Tuy nhiên áp dụng các giải pháp này như thế nào lại là quyết định của Facebook.
Các nhà phê bình như Cadwalladr luôn cho rằng hành động của Facebook là quá nhẹ và quá trễ. Cadwalladr cho rằng những phản hồi đó chỉ đến khi “thiệt hại đã xảy ra”.
ĐIỂM TIN
Các CEO của Google, Facebook và Twitter đã dành 3 giờ đồng hồ để trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần liên quan đến Mục 230, điều luật miễn trừ trách nhiệm của các nền tảng khỏi đối với những thông tin đăng tải từ người dùng. Trong khi nhiều nhà lập pháp tập trung vào các vấn đề tồn tại trên Facebook và Twitter như tin giả, những thay đổi tiềm năng của luật có thể sẽ ảnh hưởng đến cả các công ty quy mô nhỏ hơn như Reddit.
Facebook, Twitter và YouTube trong những tháng gần đây đã cố gắng ngăn chặn sự phát tán thông tin của QAnon, một nhóm cựu hữu chuyên tung ra các thuyết âm mưu. Tuy nhiên những nội dung này vẫn phát triển mạnh trên các dịch vụ không kiểm duyệt gắt gao nội dung như Telegram hay Parler. Những sản phẩm liên quan đến nhóm này cũng đã xuất hiện trên Amazon. Và mặc cho những nỗ lực của Twitter, mạng xã hội này vẫn gặp khó khăn trong việc xoá các tài khoản liên quan.
Theo tờ Wall Street Journal, Uber, Lyft, DoorDash và các startup thuộc nền kinh tế gig (các công ty có xu hướng thuê nhân viên bán thời gian hoặc tạm thời) đã tiêu tốn gần 200 triệu USD để ủng hộ Dự luật 22, một điều luật tại California mà nếu được thông qua sẽ cho phép các công ty phân loại nhân viên của mình là nhân viên theo hợp đồng. Là một trong những dự luật được tài trợ nhiều nhất tại California, Dự luật 22 có thể gây ra hậu quả lớn đối với mô hình kinh doanh của các công ty nếu nó không được thông qua. Nó cũng có thể tạo ra tiền lệ cho các quốc gia khác.
Thị trường chip bán dẫn chưa bao giờ nhộn nhịp hơn. Mới đây nhất Marvell Technology Group đang đàm phán mua lại Inphi với giá 10 tỷ USD tiền mặt kèm cổ phiếu, tạo nên một công ty có quyền lực cao hơn trên thị trường mạng dữ liệu trung tâm và chip lưu trữ.
Cơ quan chống độc quyền của Ý là cái tên tiếp theo nối dài danh sách các cơ quan quản lý lo ngại về việc liệu Google có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Cơ quan chức năng đang điều tra xem liệu Google có sử dụng dữ liệu thu thập được từ các dịch vụ khác nhau của mình để phát triển hoạt động kinh doanh quảng cáo và tạo ra lợi thế không công bằng trước các đối thủ hay không. Cuộc điều tra diễn ra sau vụ kiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chống lại Google vào đầu tháng này và một khoản tiền phạt từ Uỷ ban Châu Âu vào năm ngoái.