Doanh nhân

Kinh tế Việt Nam 2025: Thời cơ mới – trách nhiệm mới

Nguyễn Linh 29/04/2025 11:13

VABSO xác định rõ định hướng hành động, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, tư tưởng xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, tự chủ, tự cường.

unnamed.png
Bà Phạm Thị Thúy Hồng, Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam.

Năm 2025 đánh dấu những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 – một mục tiêu đã được Đảng ta kiên định xác lập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra những chuẩn mực mới, dân tộc Việt Nam đang tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình, hội nhập toàn diện và chinh phục những đỉnh cao mới.

Đồng hành trong tiến trình đó, các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh, điển hình như Hiệp hội các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABSO), giữ vai trò then chốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực quốc gia và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hạnh phúc.

Đặc biệt, VABSO còn kiên định mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân hiệu quả và bền vững – nguồn động lực quan trọng của nền kinh tế, đúng như tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh, đoàn kết, tự chủ, tự cường.

Nhằm hiểu rõ hơn định hướng hoạt động của VABSO trong giai đoạn mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thúy Hồng, Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam.

- Xin bà cho biết VABSO sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam như thế nào trong hành trình vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới?

VABSO xác định rõ định hướng hành động, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là tư tưởng xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, tự chủ, tự cường. Trong năm 2025, Hiệp hội tập trung vào ba trọng tâm lớn:

Thứ nhất, nâng cao năng lực hội viên. Chúng tôi tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp hiện đại, đạo đức kinh doanh và xây dựng thương hiệu gắn với bản sắc văn hóa Việt Nam. Mục tiêu không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn vun đắp tinh thần trách nhiệm xã hội, lòng tự tôn dân tộc, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thứ hai, kết nối nguồn lực và đồng hành phát triển. VABSO làm cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp hội viên với các tổ chức tài chính, đầu tư, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Chúng tôi đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính thức, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

unnamed (1)
Năm 2025 đánh dấu những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ ba, chủ động tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Hiệp hội đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất sáng kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song song, VABSO chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế, khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhằm củng cố nội lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

- Để đồng hành hiệu quả hơn với doanh nghiệp trong bối cảnh mới, theo bà, đâu là yếu tố cốt lõi mà VABSO và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng?

Yếu tố cốt lõi theo tôi chính là tư duy phát triển bền vững và năng lực thích ứng linh hoạt. Trong thời đại toàn cầu hóa nhanh và biến động không ngừng, doanh nghiệp không chỉ cần lớn mạnh về quy mô, mà còn phải vững chắc về nền tảng giá trị, minh bạch, sáng tạo và có trách nhiệm xã hội.

VABSO cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên vun đắp tư duy này, thông qua các chương trình huấn luyện, kết nối chuyên gia, và tạo điều kiện để doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Chúng tôi tin rằng, chỉ khi mỗi doanh nghiệp trở thành một hạt nhân vững mạnh, tự cường và biết lan tỏa giá trị bền vững, thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự góp phần chinh phục khát vọng quốc gia phát triển, hiện đại, hạnh phúc mà toàn dân tộc đang hướng tới.

- Theo bà, đâu sẽ là những điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2025?

Từ quý II/2025 trở đi, bức tranh kinh tế Việt Nam dự báo sẽ nổi bật với những xu hướng chủ đạo sau:

Chuyển đổi số toàn diện: Không chỉ các tập đoàn lớn, mà cả doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cũng bước vào tiến trình số hóa sâu rộng. Điều này đòi hỏi các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số phải thực chất, sát với nhu cầu và thực tiễn vận hành.

Nâng cao chuẩn mực kinh doanh: Hội nhập sâu rộng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuẩn hóa quản trị, minh bạch tài chính, xây dựng thương hiệu gắn liền với giá trị cốt lõi dân tộc, thể hiện phẩm giá, bản lĩnh và niềm tự hào Việt Nam.

Gia tăng áp lực và cơ hội từ dòng vốn FDI: Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, sản xuất thông minh. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải tái cấu trúc mạnh mẽ, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao để bứt phá.

Thương mại quốc tế biến động, yêu cầu thích ứng: Trước sự phân hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và những tiêu chuẩn mới về lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe hơn.

Đặc biệt, chú trọng phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững thông qua việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, ESG – với ba trụ cột Môi trường, Xã hội và Quản trị – đang trở thành xu hướng kinh doanh tất yếu tại Việt Nam, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Song song, thị trường carbon tại Việt Nam đang hình thành với nhiều tín hiệu tích cực. Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó quy định lộ trình phát triển và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Đây là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận loại hàng hóa mới – tín chỉ carbon – nhằm phục vụ chiến lược phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội, đồng thời đóng góp nguồn cung cho thị trường nội địa.

Thực tế, Việt Nam cũng đã có những thỏa thuận song phương cấp chính phủ về giao dịch tín chỉ carbon với một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới theo uỷ thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF), Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent)...., tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị carbon toàn cầu.

Trong xu thế đó, VABSO cam kết đồng hành chặt chẽ cùng doanh nghiệp hội viên, không chỉ cung cấp dịch vụ chuyên môn, mà còn thúc đẩy xây dựng mạng lưới hỗ trợ cộng đồng vững mạnh, kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và tự hào.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Việt Nam 2025: Thời cơ mới – trách nhiệm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO