Hội nhập sâu vào thị trường thế giới không chỉ là niềm vui được đứng ngang hàng với các quốc gia khác, mà cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực,… để vượt qua được những thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia chính thức ký kết. Cái tên gọi của Hiệp định đã hàm chứa nguồn gốc của nó là Hiệp định TPP mà 11 nước này đã cùng với Mỹ ký kết từ năm 2016.
Xu thế tự do hóa thương mại
TPP là thoả thuận đầu tiên về khu vực mậu dịch tự do bao trùm cả khu vực Thái Bình Dương và được coi là một trong những thành tựu cầm quyền quan trọng nhất của của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi TPP. Các nước còn lại phải lựa chọn giữa từ bỏ TPP hay tiếp tục ý tưởng về khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Mỹ.
CPTPP là sự lựa chọn của họ và thông điệp của họ là dẫu không có sự tham gia của Mỹ cũng như dẫu Trung Quốc đứng bên ngoài, họ vẫn làm điều cần phải làm vì lợi ích thiết thực của họ và vì phù hợp với thời thế là xây dựng khu vực mậu dịch tự do chung, là hợp tác và liên kết khu vực trong xu thế toàn cầu hoá.
CPTPP không nhằm để đối phó Trung Quốc hay gây bất lợi cho Mỹ, mà đơn giản chỉ vì có lợi cho 11 nước thành viên. Đương nhiên, sự tham gia của những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ sẽ làm cho Hiệp định có trọng lượng, phạm vi hiệu lực và mức độ tác động to lớn hơn rất nhiều. Nhưng cái gì cũng đều có hai mặt của nó. Không còn bị lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ như TPP, CPTPP là sân chơi cho một cuộc chơi khác với khả năng tương thích cao hơn cho các bên tham gia.
CPTPP càng được chú ý đến nhiều hơn khi nó ra đời đúng vào thời điểm ông Trump phát động chiến dịch áp dụng thuế quan bảo hộ một số ngành công nghiệp ở Mỹ, khuấy động nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại. Thực trạng này càng làm rõ thêm động cơ và mục đích của việc Mỹ không còn tham gia TPP cũng như khẳng định chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới nhưng rõ ràng là không cản được bước tiến của xu thế tự do hoá thương mại trên thế giới.
Thách thức đặt ra
Từ thực trạng trên có 2 thách thức lớn đặt ra cho 11 nước tham gia CPTPP. Thứ nhất, các quốc gia thành viên phải thực hiện thành công CPTPP, cụ thể là phải có được hiệu ứng và tác động tích cực từ CPTPP, thể hiện ở đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cho thúc đẩy trao đổi thương mại và cho kết nối các nền kinh tế với nhau. Khu vực mậu dịch tự do này đòi hỏi các quốc gia phải chủ động và linh hoạt trong cải cách thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng; các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh, coi trọng hiệu quả quản lý, nâng cao nguồn nhân lực,… để phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, CPTPP cần phải được bổ sung, càng nhanh càng tốt, bằng những thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác khác, đặc biệt với Mỹ, Trung Quốc và EU. CPTPP đang để ngỏ cơ hội cho các nước khác tham gia nhưng những nước thành viên của CPTPP cũng nên bổ sung, hậu thuẫn cho CPTPP bằng những hình thức, khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư khác với những đối tác chưa sẵn sàng hoặc không có chủ ý tham gia CPTPP.
Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của nước ta là khả năng thích ứng còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra. Chẳng hạn như, Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn nhiều nước; tổ chức sản xuất, kiểm soát thị trường của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước thành viên khác của CPTPP…
CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên khác, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tất cả điều đó tạo ra sức ép lớn đối Việt Nam trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường, tình trạng mất cân đối trong xuất khẩu và cạnh tranh nội địa, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc,...
Nếu kinh tế Việt Nam không hóa giải được những thách thức nói trên thì doanh nghiệp không những không tận dụng được cơ hội từ CPTPP, mà còn có nguy cơ bị “lép vế” ngay trên sân nhà.