Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ chứa nước Đăk Car có tổng mức đầu tư lên đến 118 tỷ đồng, nhưng lại chưa thực hiện đền bù cho người dân đã thực hiện thi công gây bức xúc.
>>Kon Tum: Dự án ngàn tỷ thành phế tích
Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ chứa nước Đăk Car địa phận xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng. Dự án được đấu thầu trong một năm tính từ cuối năm 2021.
Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum là đơn vị trúng gói thầu xây lắp hạng mục hồ chứa nước Đăk Car và đập Đăk Sia II. Đây là gối thầu có giá trị lớn nhất trong các gói thầu được chủ đầu tư phân chia.
Dự án được đơn vị trúng thầu triển khai thi công từ cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2025. Khi đi vào hoạt động, dự án có mục tiêu tưới nước cho 200ha cây trồng trên địa bàn. Để thực hiện Dự án, dự kiến sẽ thu hồi 30ha đất của khoảng 33 hộ dân thôn Đăk Đe xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy.
Lý giải việc để cho đơn vị thi công trước, ông A Pun (thôn Đăk Đe) cho hay khi dự án chuẩn bị thi công, chủ đầu tư cùng nhà thầu có đến vận động người dân ký cam kết kèm bảng chi tiết bồi thường để doanh nghiệp thi công. Có 9 hộ dân ký cam kết nhận đền bù, nhưng đến nay tất cả hơn 30 hộ dân chưa được nhận bất cứ đồng tiền bồi thường nào.
Người này cho biết, ngày 5/5, chủ đầu tư cùng đơn vị thi công làm việc với 9 hộ dân ký cam kết đề nghị thanh toán một phần trong toàn bộ số tiền đền bù, tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý với phương án trên. Người dân tại đây bức xúc khi đất đã giao cho dự án nhưng tiền bồi thường thì mãi không thấy đâu.
“Gia đình có 1,3ha trồng cà phê ở vùng đập đã bàn giao hết cho dự án. Theo cam kết, số tiền đền bù tạm tính là 596 triệu đồng, sẽ thanh toán tiền vào ngày 30/4. Tuy nhiên, đến hạn gia đình vẫn chưa được chi trả. Nếu cứ kéo dài thời gian đền bù, gia đình tôi không biết lấy gì để trang trải cuộc sống”, ông Pun nói.
>>Kon Tum: Gỡ khó cho doanh nghiệp khoáng sản
Trưởng thôn Đăk De xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy - ông A Viêu cũng cho hay: “Nguyện vọng của người dân là kể cả diện tích trong chân đập hay lòng hồ đều phải được đền bù. Vì trong diện tích trong lòng hồ sau này dự án cũng sẽ lấy để thi công. Một số hộ dân, trong diện hộ nghèo, cận nghèo muốn tiếp tục được trồng cây nông nghiệp tại khu vực thu hồi thêm một hai mùa vụ nữa, dù sao người dân cũng chưa nhận đền bù nên khó khăn về sản xuất lắm”.
Cũng theo ông A Viêu, còn có 3 hộ dân khác chưa thống nhất đền bù, chưa giao đất nhưng nhà thầu đã thi công. Ngoài ra, người dân cũng phản ánh về nguồn đất san lấp sử dụng công trình không rõ ràng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại vùng dự án, nhà thầu đã múc đất ở gần quả đồi đang trồng cây bời lời, sau đó chở xuống tập kết để làm phần đập. Phần đất được múc để làm dự án này nằm trên đất chưa đền bù cho 9 hộ dân trên.
Ông Nguyễn Kim Thái, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, huyện đã yêu cầu dừng thi công dự án để tiến hành thủ tục đền bù cho dân. Địa phương giao Ban Quản lý dự án huyện thẩm định việc kê khai tài sản để áp giá đền bù cho người dân. Đồng thời, đơn vị thi công phải thực hiện đúng pháp luật về thực hiện khai thác đất để làm dự án.
“Vướng mắc nằm ở khâu kê khai đất bị chồng lấn nên chưa thể xác định vị trí đất cụ thể của từng hộ dân nên có sự chậm trễ. Hiện các phòng ban của huyện đang đi xác định lại vấn đề này để sớm tháo gỡ cho người dân”, ông Nguyễn Kim Thái cho biết thêm.
Liên quan đến quyền lợi của người dân, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, để có mặt bằng sớm thi công, đơn vị đã cam kết đền bù cho người dân. Giá đền bù dự kiến được tính theo đơn giá đền bù cũ, sau này nếu đơn giá mới cao hơn thì sẽ đền bù tiếp cho dân.
“Chủ đầu tư tin tưởng đến thời hạn cam kết đền bù, đơn vị giải phóng mặt bằng sẽ có giá chính thức để đền bù. Tuy nhiên, việc tính toán giá đền bù chậm hơn dự kiến nên không thể trả tiền đúng hạn cho dân”, ông Tuấn phân trần.
Có thể bạn quan tâm