Liên tiếp là những đơn thư khiếu nại của các hộ dân và doanh nghiệp đều liên quan tới đất đai. Và có lẽ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến chỉ số tiếp cận đất đai của Bình Phước luôn ở mức thấp.
Chỉ số tiếp cận đất đai là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng điều hành của một địa phương trong việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển. Việc cải thiện chỉ số này tạo ra trụ đỡ quan trọng để môi trường kinh doanh của địa phương thăng hạng. Ngược lại, đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến thứ hạng của địa phương tụt giảm.
Nguyên nhân chỉ số thấp…
Câu chuyện khiếu kiện của người dân và doanh nghiệp chủ yếu liên quan tới đất đai. Trong đó, thủ tục hành chính rườm rà, công tác quy hoạch thiếu minh bạch… được người dân nhắc tới chính là nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý yếu kém, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Bình Phước trong thời gian vừa qua.
Như Diễn đàn doanh nghiệp đã thông tin trước đó, sự việc được dư luận đánh giá là khá hy hữu khi chính quyền huyện Đồng Phú, phớt lờ và bỏ ngoại tai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước trong việc cấp sổ đỏ cho người dân và doanh nghiệp được tồn hàng chục năm qua.
Đáng chú ý, vụ việc này đã được Tòa án Nhân dân các cấp đưa ra xét xử và buộc chính quyền phải thực hiện nghiêm hành vi hành chính. Thế nhưng không hiểu lý do gì, UBND huyện Đồng Phú vẫn không chịu thi hành án, mặc dù hiệu lực của bản án đã trôi qua hơn 1 năm nay.
Vụ việc khiến dư luận bức xúc và chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng thì mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp lại liên tiếp nhận được những đơn thư khiếu nại của người dân và doanh nghiệp liên quan tới đất đai. Trong đó, nổi cộm là phản ánh về các thủ tục hành chính rườm rà theo kiểu “hành dân”. Đặc biệt, công tác quản lý đất còn nhiều chồng chéo, công tác quy hoạch thiếu minh bạch; cách hành xử, xử lý thủ tục tiếp công dân có biểu hiện né tránh…
Xuất phát từ những yếu tố trên có thể tạm xác định: “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Và có lẽ, đây cũng chính là rào cản, điểm nghẽn, khiến chỉ số tiếp cận đất đai của Bình Phước luôn luôn ở mức thấp so với các địa phương khác.
… do điểm nghẽn… “tiếp cận đất đai”?
Minh chứng cho sự việc nêu trên có thể lấy vụ việc của gia đình ông Hồ Trọng Biên, tại thành phố Đồng Xoài, làm ví dụ. Cụ thể, mặc dù tại văn bản số 321/UBND-TD của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước gửi cơ quan chức năng về việc xử lý những vướng mắc khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Biên. Thế nhưng, đến nay, thời gian đã trôi qua hơn 3 tháng, nhưng công dân vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ cơ quan chức năng?
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hồ Quang Triều (được ủy quyền của ông Biên), cho biết: Năm 1988, gia đình ông Biên đã khai hoang diện tích 5000m2 đất để trồng điều và hoa màu (quản lý đất liên tục, không tranh chấp với ai). Đến năm 2017, khi gia đình ông Biên xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng của Bình Phước đã chối từ với lý do: “Khu đất nằm trong thửa đất số 288 thuộc bản đồ đo đạc ngày 23/12/1995 của Công ty Cao su Đồng Phú”.
Điều mâu thuẫn là giáp với gia đình ông Biên, 20 hộ dân khác đã được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, với ranh giới rõ ràng, gia đình ông Biên đã nhiều lần kiến nghị xác minh, làm rõ vị trí trong bản đồ nhưng đều bị các cơ quan chức năng làm ngơ.
Tương tự, ở góc độ là doanh nghiệp, ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước chia sẻ, doanh nghiệp muốn có mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thì buộc phải bỏ ra số tiền cao hơn rất nhiều để có mặt bằng. Nhưng sau đó lại phải thuê, trả tiền hàng năm, không thể dùng cái tài sản đó làm vốn đối ứng vay ngân hàng để đầu tư công nghệ.
"Đó chính là điểm nghẽn mà doanh nghiệp kiến nghị và nói đã nói rất nhiều lần, thậm chí với cả đoàn Đại biểu Quốc hội trong hội nghị và nhận được sự đồng tình cao của doanh nghiệp, nhưng cuối cùng vẫn không có tiến triển" – ông Thuận nói.
Điều đáng nói là, mặc dù địa phương đã nhận thức được chỉ số tiếp cận đất đai là điểm số thành phần tạo nên thứ hạng về môi trường cạnh tranh. Đặc biệt mới đây, tỉnh Bình Phước đã lập Tổ công tác rà soát các thủ tục hành chính về đất đai với mục đích kiểm tra các khiếu kiện của người dân, rà soát các quy định về thủ tục. Thế nhưng đến nay những vẫn đề khó khăn vẫn hiển nhiên tồn tại.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Khánh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Phước, đại diện Tổ công tác rà soát các thủ tục hành chính về đất đai, chia sẻ: Cũng chính về điểm nghẽn này mà 3 năm trở lại đây, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Bình Phước chỉ xếp thứ 61, 62/63 tỉnh thành phố cả nước. Trong đó, riêng chỉ số thành phần “tiếp cận đất đai”, Bình Phước chỉ đạt bình quân trên 6 điểm/10 điểm.
Còn về chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam PAPI, Bình Phước cải thiện 2 bậc, lên 37/63 (năm 2019). Tuy nhiên, chỉ số về thủ tục hành chính (bao gồm Cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng) cũng chỉ là 7,64/10.
Như vậy, nhìn vào thực tế và cụ thể từng sự việc nêu trên có thể nói. Đây là những con số biết nói, giải thích vì sao một địa phương nhiều tiềm năng như Bình Phước, lại chưa thể bứt phá trên các bảng xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.