Trong ngày làm việc thứ 5, phiên tòa phúc thẩm vụ án “buôn lậu” gỗ trắc tập trung xét hỏi làm rõ các kết quả giám định.
Giám định gỗ sai quy trình
Mở đầu phiên tòa ngày 9/7, đại diện VKS tiếp tục “truy” đại diện Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật- đơn vị 2 lần tham gia giám định tại hiện trường lô gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng: vì sao có sự chênh lệch 161 khối gỗ trong 2 kết luận giám định 151 và 783 mà Viện đã thực hiện?
Cả hai ông Đặng Tất Thế, Hà Văn Tuế, đại diện cho Viện Sinh thái đều cho biết Viện chỉ thực hiện phân loại, còn số liệu quy cách, khối lượng, thể tích là do cơ quan yêu cầu giám định cung cấp.
Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP Cần Thơ hỏi đại diện Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật và đại diện Cục điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan: việc xác định có hơn 21,506 m3 gỗ hương trong lô gỗ là một căn cứ để cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, vậy nếu con số này không đúng thì cơ quan nào chịu trách nhiệm về số liệu này?
Như trả lời VKS, đại diện Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết mình chỉ phân loại gỗ chứ không biết gì về khối lượng. Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu thì cho rằng số liệu khối lượng là do cán bộ kiểm lâm phối hợp thực hiện chịu trách nhiệm.
Luật sư Thành hỏi tiếp đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44): "Vì sao đã có kết luận giám định 151/STTNSV xác định có 21,506 m3 khối gỗ hương, là cơ sở mà Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án nhưng sau khi tiếp nhận vụ án này thì C44 phải trưng cầu Viện sinh thái tài nguyên sinh vật phải giám định lại và cho ra kết luận 783/STTNSV với khối lượng tổng lô gỗ tăng lên 161 khối, trong đó có đến 23,8 m3 gỗ hương không khai báo, phải chăng C44 thấy kết luận 151 không chính xác nên phải trưng cầu giám định lại?”
Trả lời câu hỏi này ông Đặng Thái Sơn, nguyên điều tra viên C44 tham gia xuyên suốt vụ án này cho biết ông đã nghỉ hưu nên chỉ trả lời với tư cách là người từng tham gia vụ án. Ông Sơn cho biết lý do phải trưng cầu giám định lại là do quy trình hồ sơ vụ án yêu cầu như vậy.
Trở lại với phương pháp giám định lô gỗ, luật sư Thành cung cấp cho ông Hà Văn Tuế, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật 2 bức ảnh và yêu cầu ông giám định qua hình ảnh mà ông đã trình bày trong phiên tòa hôm trước rằng có thể giám định xác định chủng loại gỗ bằng mắt thường qua hình ảnh.
Sau vài phút xem ảnh, ông Tuế cho biết bức ảnh có màu sáng có thể là gỗ hương, tuy nhiên ông thừa nhận rất khó để xác định chính xác vì mẫu gỗ phải mới và nguyên hình nguyên trạng chứ cắt đẻo và để lâu mưa nắng thì rất khó xác định (!).
“Được biết phương pháp phân tích bằng kỹ thuật phân tử: phương pháp phân tích di truyền để xác định các loài hiện nay được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Dùng biện pháp phân tích ADN có thể đưa đến kết luận chính xác tuyệt đối gần như 100%, thế tại sao Viện không áp dụng?”, luật sư Thành hỏi tiếp.
Ông Tuế cho biết đúng là như vậy nhưng sử dụng biện pháp này rất tốn kém, không cần thiết đối với giám định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng.
Luật sư Trường Thành hỏi đại diện Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật: vì sao nhận được công văn yêu cầu giám định của C44, Viện phải có Công văn số 590/STTNSV, đề nghị Kiểm lâm vùng II phối hợp thực hiện việc giám định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng?
Ông Đặng Tất Thế, đại diện cho Viện này cho biết: “Theo Quyết định số 204/VKH-QĐ ngày 03/4/1990 của Viện Khoa học Việt Nam về việc thành lập Viện sinh thái tài nguyên sinh vật thì Viện không có chức năng xác định quy cách, khối lượng, số lượng gỗ, do đó phải mời thêm Kiểm lâm vùng II phối hợp”.
Luật sư Nguyễn Trường Thành hỏi tiếp, theo khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp, quy định: “Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”. Vậy Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật không phải là cơ quan tiến hành tố tụng thì có được mời cơ quan kiểm lâm vùng II tham gia trưng cầu giám định không?, nếu không đủ năng lực chuyên môn vì sao Viện không từ chối thực hiện trưng cầu giám định?".
Trả lời câu hỏi này ông Thế cho biết vì C44 có công văn gửi Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, ông chỉ thừa hành theo phân công của Viện.
Trả lời luật sư Lê Văn Khiển, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị, ông Tuế cũng cho biết mình đã nghỉ hưu từ năm 2008.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trường Thành, Chi Cục kiểm lâm vùng II tham gia trưng cầu giám định để cho ra kết luận 783/STTNSV với tư cách phối hợp hay giám định viên tư pháp?
Đại diện Kiểm lâm vùng II chỉ cho biết thực hiện khi được Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật mời. Luật sư Thành hỏi tiếp như vậy Chi Cục kiểm lâm vùng II có chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tính khối lượng gỗ không đúng? Khối lượng gỗ 614,672m3 trong đó có 23,828 m3 gỗ hương là đo thực tế hay đã cộng sai số cho phép?
Đại diện Kiểm Lâm vùng II khẳng định khối lượng gỗ trong giám định 783 là số đo cân thực tế, chưa cộng sai số đồng thời cho biết chỉ chịu trách nhiệm với đơn vị mời tham gia trưng cầu giám định là Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật. Vị đại diện kiểm lâm cũng cho biết trước khi giám định cũng không được C44 cung cấp danh sánh lý lịch lô gỗ.
Lô gỗ có đủ điều kiện thông quan?
Trả lời câu hỏi của Lê Thị Xuân Mai, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng (người bào chữa cho ông Liệu, bà Dung): vì sao trong ngay trong ngày Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ thì có thêm 18 doanh nghiệp khác cùng khai hải quan nhập khẩu gỗ tại cửa khẩu Lao Bảo để xuất khẩu sang nước thứ 3 với hơn 6.000m3 gỗ nhưng vì sao chỉ có duy nhất lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng khi đã làm thủ tục xuất khẩu xong mà bị bắt khởi tố?
Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cho biết: căn cứ khởi tố vụ án là dựa trên nguồn tin trong ngày trong ngày Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai nhập khẩu lô hàng (17/12/2011) phía Lào cho biết không có xuất bán lô gỗ cho Công ty Ngọc Hưng và trên số liệu giám định của Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật có 21,5 m3 gỗ hương và hơn 800 sản phẩm gỗ không khai báo. VKS hỏi căn cứ bên Lào thì có công văn xác nhận phía Lào hay không? Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu yêu cầu VKS xem trong hồ sơ vụ án.
Có mặt tại phiên tòa, Đại diện Bộ Công Thương đã cung cấp cho Tòa công văn trả lời mới nhất của Bộ CôngThương xung quanh công văn 1328/BCT-XNK của Bộ Công Thương ngày 8/2/2013 và khẳng định ở thời điểm đó việc nhập khẩu lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng từ Lào theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì không cần phải xin giấy phép nhập khẩu và chỉ chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thông quan tại cửa khẩu Việt Nam theo luật Hải quan.
VKS hỏi Cục điều tra chống buôn lậu: “khẳng dịnh của Bộ Công thương đối với lô gỗ là không cần xin phép vậy Cục Điều tra chống buôn lậu có thể cho biết thủ tục nhập khẩu Hải quan thì cần những gì”?
Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Hải quan cho biết doanh nghiệp làm thủ tục phải có tờ khai tính thuế nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, hợp đồng mua bán, lý lịch gỗ (loglist), vận đơn (invoice), hóa đơn vận tải đường bộ (Bill of truk).
“Như vậy, Công ty Ngọc Hưng có làm đầy đủ không?” VKS hỏi thêm. Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu cho biết Công ty Ngọc Hưng có làm đầy đủ nhưng nghi ngờ bộ hồ sơ phía Lào về lô gỗ được làm giả và không có giấy kiểm dịch thực vật.
Trả lời câu hỏi của Luật sư Trường Thành, bị cáo Trương Huy Liệu cho biết hợp đồng công ty ký nhập khẩu gỗ từ Lào theo hình thức DAF (giao nhận tại cửa khẩu Việt Nam) nên không phải chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ do Công ty Lào cung cấp để xuất khẩu gỗ vào Việt Nam.
Ông Hoàng Hữu Dũng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch động thực vật vùng 3 phụ trách kiểm dịch cho lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, cho biết: sau khi kiểm tra 13 xe chở gỗ cho Công ty Ngọc Hưng có số xe trùng khớp đã kiểm dịch nhưng không có giấy kiểm dịch cấp riêng cho Công ty Ngọc Hưng trong bộ hồ sơ nhập khẩu nên đã Chi cục đã cử cán bộ đến làm việc với Cơ quan kiểm dịch bên Lào và được họ xác nhận: “Theo thông lệ quốc tế và luật pháp của Lào thì giấy kiểm dịch động thực vật cho nguyên lô lớn chứ không cấp riêng lẻ số lượng ít và xác nhận có cấp cho số xe của Công ty Ngọc Hưng. Ông Dũng cũng cho HĐXX biết thêm: “trường hợp lô gỗ này không có giấy kiểm dịch phía Lào thì Cơ quan kiểm dịch phía Việt Nam sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 500.000-1.500.000 đồng/lô (Nghị định 26/2003/NĐ-CP) và tiến hành kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch để lô hàng đủ điều kiện thông quan.
Ngày mai (10/7), phiên Tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận, Báo DĐDN sẽ tiếp tục chuyển đến Quý bạn đọc thông tin về phiên tòa này.