Ngày 8/7, ngày thứ tư, Phiên tòa phúc thẩm kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung, HĐXX dành phần lớn thời gian xét hỏi để chứng minh hành vi phạm tội.
Giám định bằng mắt thường
Theo đại diện Cục điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan: căn cứ khởi tố vụ án là dựa vào kết luận giám định 151/STTNSV của Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật ngày 12/03/2012, kết luận tổng khối lượng lô gỗ là 453 m3 (lấy số tròn), trong đó có 21,5m3 gỗ hương, 280,2 m3 gỗ trắc xẻ, 10,7 m3 gỗ trắc tròn và 199,6 Ste tương đương 139,7 m3 gỗ trắc tận dụng gốc cành ngọn, 867 sản phẩm gỗ trắc các loại.
Căn cứ trên số liệu có 21,5 m3 gỗ hương doanh nghiệp không khai báo, Cục điều tra chống buôn lậu khởi tối vụ án buôn lậu theo điều 153 BLHS tại Công ty Ngọc Hưng.
Có mặt theo công văn triệu tập của Tòa, ông Đặng Tất Thế, đại diện cho Viện sinh thái tài nguyên Sinh vật cho biết: ngày 3/2/2012, Viện có nhận được công văn số 57/ĐTCBL-DD2 của Cục điều tra chống buôn lậu, đề nghị Viện phối hợp kiểm tra, phân loại và giám định tại chỗ toàn bộ lô hàng gỗ của Công ty Ngọc Hưng, ông được Viện phân công làm chủ tịch hội đồng giám định gồm 3 thành viên. Trong đó chỉ có ông Hà Văn Tuế là có chuyên môn về lĩnh vực này, còn lại một thành viên khác do bận công tác nên không có mặt.
Có mặt tại phiên Tòa, ông Hà Văn Tuế, cho biết với chuyên môn của mình ông chỉ cần nhìn hình thái (màu sắc, thớ gỗ) không cần máy móc, hóa chất gì cũng có thể phân biệt được đâu là gỗ trắc, đâu là gỗ hương và ông cũng chỉ sử dụng mắt thường để giám định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX bằng cách nào Viện sinh thái tài nguyên Sinh vật xác định được khối lượng của lô gỗ, ông Đặng Tất Thế, Chủ tịch hội đồng giám định cho biết: Viện sinh thái tài nguyên Sinh vật chỉ có chức năng phân biệt chủng loại gỗ, còn khối lượng gỗ bao nhiêu là do Cục điều tra chống buôn lậu cung cấp
Trả lời đại diện VKS vì sao chỉ sau khi có kết luận 151 vài tháng, kết luận 783/STTNSV cũng do Viện sinh thái tài nguyên sinh vật giám định, cũng do ông Thế làm Chủ tịch Hội đồng lại cho kết quả khối lượng lên đến hơn 614,6 m3, trong đó có đến hơn 23 m3 gỗ hương? Ông Thế cho biết Viện sinh thái chỉ có chức năng phân loại gỗ, còn số liệu khối lượng gỗ trong 2 giám định trên là do Cục điều tra chống buôn lậu và Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an cung cấp. Ông Thế cũng thừa nhận giám định 783/STTNSV không lấy mẫu mà chỉ sử dụng lại mẫu khi thực hiện giám định 151.
VKS hỏi tiếp 2 vị đại diện của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật: Từ trước đến nay ông có từng giám định vụ việc tương tự, 16 mẫu vật lần đầu lấy giám định đang để ở đâu?
“Kính thưa HĐXX, tôi là chuyên gia về giám định động vật, tuy nhiên Viện sinh thái tài nguyên sinh vật có chức năng giám định cả động thực vật và có nhiều người có chuyên môn về giám định sinh vật”, ông Thế nói.
Trong khi đó, trả lời của VKS về mẫu vật giám định đang ở đâu? ông Tuế cho biết sau giám định các mẫu vật được lưu giữ ở Viện nhưng do thời gian khá lâu nên không biết còn mất thế nào.
Mơ hồ trong xác định khối lượng
Đại diện kiểm lâm vùng II cho biết căn cứ Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT cho phép việc cân gỗ để tính khối lượng, qua thực nghiệm 1 khối gỗ nặng 1.090kg/m3 nên việc quy đổi 1.000kg bằng 1 khối thì sai số không lớn có thể chấp nhận được.
Ông Ngô Tấn Sự, Đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng-TP. Đà Nẵng, một trong 4 người không ký vào biên bản cho biết: “do lúc đó trong kho rất nóng, nên việc khám xét rất khó khăn, ghi chép cũng không thật sự chính xác vì người này truyền tai người khác có khi người ghi nghe nhầm” .
Ông Trần Minh Triết, Đội kiểm lâm cơ động và PCCC cho biết lý do lúc đó chỉ sử dụng căn cứ xác định khối lượng lô gỗ: theo Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và quy định tại Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của BNN&PTNT để xác định khối lượng gỗ là vì Công ty Ngọc Hưng mua, bán lô gỗ trước thời điểm BNN&PTNT ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 nên không thể áp dụng.
Phương pháp tính đúng lúc đó đối với gỗ tròn (tận dụng gốc, cành, ngọn) phải tính đơn vị khối lượng là ste rồi quy đổi cứ 1 ste bằng 0,7m3.
Tại phiên tòa ông Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trường Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nắng cũng “tố” Cục điều tra chống buôn lậu yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng phải sửa biên bản khám xét.
Trao đổi với PV DĐDN, đại diện Hải quan tỉnh Quảng Trị nhận định: "Việc phiên tòa tốn nhiều thời gian xét hỏi chỉ với việc xác định khối lượng gỗ và có hay không có gỗ hương trong lô gỗ nhập khẩu của Công ty Ngọc Hưng là không cần thiết. Bởi vì, ở thời điểm đó Căn cứ quy định tại khoản 8, Điều 15 Nghị định số 87/ 2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ; khoản 8, Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì lô gỗ trắc xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng thuộc đối tượng được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu”.
Tại Công văn số 1661/ TCHQ - TXNK ngày 20/02/2014 của Tổng cục Hải quan gửi Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an.
“Mục 2 đã xác định trường hợp cụ thể doanh nghiệp Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu ngày 17/12/2011 số tiền là 3.246.503.317 đồng theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 và chứng từ ghi số thuế phải thu số 2560/TBT ngày 17/12/2011 của cơ quan Hải quan là đúng quy định của pháp luật.
Kể cả trường hợp phát hiện lô hàng kê khai không đúng khối lượng, chủng loại gỗ thì cho phép doanh nghiệp khai lại và chỉ chịu trách nhiệm hành chính tùy theo mức độ vi phạm".
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!