Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc.
>>Đại biểu Quốc hội đề nghị tính lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh tại tại cuộc họp báo Công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 11/1.
Ông Vũ Minh Tuấn cho biết, sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
“Tại kỳ họp này, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc”, ông Tuấn nói.
Vẫn theo ông Vũ Minh Tuấn, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao.
Về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, phương án huy động nguồn lực, việc áp dụng một số cơ chế đặc thù và giao các nhiệm vụ cho Chính phủ.
Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết gồm 10 Điều, quy định thí điểm 08 chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ.
Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ban Dân nguyện đã tổng hợp một số vấn đề nổi bật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm gửi đến kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Theo đó, cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân đã phản ánh, kiến nghị 5 nhóm vấn đề được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã tổng hợp 6 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
20:46, 10/01/2022
16:01, 09/01/2022
10:30, 07/01/2022
20:37, 04/01/2022
10:20, 04/01/2022