Kỹ năng kiểm soát giọng nói

Khắc Long 12/10/2018 10:36

Có rất nhiều thủ thuật để dẫn dắt một cuộc nói chuyện, tuy nhiên về lâu dài một lời nói thực sự thuyết phục phải được cấu thành từ 3 yếu tố: nhân cách người nói, cách thức nói, nội dung nói.

Nếu bạn là một ứng viên sắp gặp mặt nhà tuyển dụng, hoặc một người quản lý sắp có buổi trao đổi trước đội nhóm, thì làm chủ giọng nói là nhiệm vụ cần được chuẩn bị và thực hành tốt. Theo chuyên gia huấn luyện kỹ năng Nguyễn Khắc Long, sức thuyết phục trong một phần trình bày hay buổi hội thoại có đóng góp 38% từ giọng nói; ngôn ngữ cơ thể và nội dung lần lượt chiếm 55% và 7%. Đây là Công thức 7 38 55 của giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian, của trường đại học Carlifonia (Mỹ).Thông thường, mọi người tập trung toàn bộ tâm trí vào nội dung phát ngôn mà quên đi mất 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn tới tính thuyết phục. Do vậy, trong cuộc sống cũng như công việc, cần có nền tảng hiểu biết cơ bản và khả năng ứng dụng kỹ năng kiểm soát giọng nói.

Hiểu đúng về người đối thoại

Dựa theo mô hình xác định tính cách DISC, ông Long chia người đối thoại làm 4 nhóm dựa theo âm lượng và tốc độ nói: người nói to và nhanh (D); người nói bình thường và nhanh (I); người nói nhỏ và chậm (S); người nói bình thường và chậm (C). Tính cách của mỗi người trong số chúng ta đều nằm trong 4 khuôn mẫu hành vi: D (Dominance - Sự thống trị), I (Influence - Sự ảnh hưởng), S (Steadiness - Sự kiên định), C (Compliance - Sự tuân thủ). Để thuyết phục được người đối thoại, cần chú ý lắng nghe, quan sát họ thuộc nhóm hành vi nào, từ đó lựa chọn cách nói tương đồng. Trong các loại hình giao tiếp, nếu có thể thấu hiểu người đối thoại đang tuân theo mô thức hành vi nào kể trên và kiểm soát được ba yếu tố của giọng nói sau đây, việc thuyết phục và tạo dấu ấn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Kiểm soát gì để tăng tính thuyết phục?

* Tốc độ: Nói quá nhanh khiến người đối thoại không nắm được hết nội dung; nói chậm sẽ khiến người ta mất kiên nhẫn. Do vậy, cần xác định nội dung trước khi nói theo 3 nấc: câu, từ quan trọng; nội dung thông thường; ý phụ, không quan trọng. Những gì bình thường và không quan trọng sẽ nói càng nhanh càng tốt mục đích là tạo đà khiến người nghe “nín thở” mong chờ khi những nội dung quan trọng được nói ra chậm rãi.

* Âm lượng: Tiếng Việt có bộ thanh âm đa dạng (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng, thanh ngang); bản chất lời nói đã có tính nhạc, vì vậy khi tạo ra cảm giác to, nhỏ, cao, thấp khác nhau, câu nói sẽ hấp dẫn hơn. Từ 3 nấc âm lượng kết hợp tốc độ nói, sẽ có 3 loại ngữ điệu với hiệu quả riêng biệt:

1. Người yêu: Nói nhỏ và chậm, phù hợp với nhóm nhỏ, hoặc cuộc nói chuyện riêng tư, câu chuyện có nội dung nhạy cảm, hoặc người nói muốn tạo không khí thân mật trong giao tiếp.

2. Kẻ thù: To và nhanh, được dùng khi muốn gây chú ý ngay lập tức với một đám đông hay người đối diện trong giai đoạn ban đầu.

3. Hiền triết: Tốc độ và âm lượng vừa, nên áp dụng trong các buổi trò chuyện thông thường, chủ yếu để người đối thoại nắm bắt thông tin, chứ không tạo dấu ấn.

Dù vậy, cách nói tốt nhất là sự phối hợp giữa 3 ngữ điệu kể trên theo công thức 60:20:20 (Hiền triết: Kẻ Thù: Người yêu) để tạo ra cấu trúc sắc thái lời nói sinh động.

Sự ngắt nghỉ

1s Trong giao tiếp, người đối thoại chỉ bắt đầu thực sự nghe nội dung khi người nói dừng lại. Do đó, nếu cần truyền tải bất cứ thông tin, thông điệp nào, người nói cũng cần nghỉ 1 giây giữa các câu (mỗi một câu sẽ có từ 10 – 15 chữ). Nghỉ 1 giây là nguyên tắc bắt buộc trong bất kỳ giao tiếp nào.

3s Đây là cách ngắt câu tạo cảm giác tò mò. Ví dụ: “Tôi muốn nói cho các bạn/anh/chị biết một điều”, dừng 3 giây, “đó chính là...”. Cách ngắt nghỉ này có thể kết hợp cùng tốc độ nói nhanh-chậm ở từng vế câu, nhằm dồn cảm xúc tò mò, hoặc sự chú ý người nghe tới những vấn đề quan trọng.

5-7s Đây là cách ngắt tạo ra cú sốc đối với người nghe, tựa như cú “bạt tai”. Chẳng hạn như ở trong một hội trường đang hỗn loạn, diễn giả nói không ai nghe, “cú sốc” sẽ có tác dụng kéo lại thế chủ động cho người thuyết trình. Kỹ thuật này cần kết hợp với một trường đoạn nói rất nhanh và to trước đó, có dung lượng từ 20 chữ trở lên. Việc dừng 5-7 giây khiến người nghe phải nhìn vào người nói, vì cảm thấy đang có chuyện gì đó xảy ra.

Có rất nhiều thủ thuật để dẫn dắt một cuộc nói chuyện, tuy nhiên ông Long cho rằng, về lâu dài một lời nói thực sự thuyết phục phải được cấu thành từ 3 yếu tố: nhân cách người nói, cách thức nói, nội dung nói. Kiểm soát giọng nói là một kỹ năng nằm trong thành tố thứ hai, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở phẩm hạnh và đạo đức, đó mới là thứ đáng trân quý và làm nên sức hút bền vững (chứ không dừng ở một cuộc nói chuyện đơn lẻ). 

Một nội dung nói gây chú ý cần có gì?

Có lý do dẫn dắt: Các giao tiếp thường được xây dựng dựa trên hai câu hỏi “cái gì” và “như thế nào”. Tuy nhiên, nội dung nói thật sự hấp dẫn cần xuất phát từ câu hỏi “tại sao?”, và nên mở đầu bằng việc đưa ra những lý do để người đối thoại tò mò với nội dung tiếp theo.

Tập trung vào đối phương: Phần lớn các buổi nói chuyện, phỏng vấn thiếu sức hút thường rơi vào trường hợp người nói không biết người nghe cần gì, và tập trung quá nhiều vào nội dung mình muốn trình bày.

Nguyễn Khắc Long là nhà đồng sáng lập và CEO của đơn vị huấn luyện năng lực doanh nghiệp The OlymWorld Academy; tác giả, và chuyên gia huấn luyện kỹ năng tập trung, tối đa hoá năng lực cốt lõi của cá nhân và tổ chức. Ông sở hữu chứng nhận toàn cầu của 3 mega guru (bậc thầy hàng đầu thế giới về một lĩnh vực) gồm Jack Canfield, Brian Tracy và John C. Maxwell. Trước đó, ông đã trải qua 12 năm kinh nghiệm ở các vị trí giám đốc/quản lý marketing tại nhiều công ty trong nước và quốc tế như: CitySmart, First Alliances, ITD World, HR2B,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỹ năng kiểm soát giọng nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO