Với nền thấp của năm 2021 và dự báo tăng trưởng cao của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài...GDP Việt Nam được dự báo có thể vượt 7,5% trong năm 2022.
>>>World Bank: GDP năm 2022 của Việt Nam dự báo đạt 5,5%
Theo đó, các chuyên gia kinh tế của VinaCapital ước tính GDP Việt Nam sẽ từ mức 2,6% năm 2021 tăng mạnh lên 7-7,5% vào năm 2022 và tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay.
“Chúng tôi tin rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay. Tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi sức phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng nội địa và các hoạt động xây dựng của Việt Nam, cũng như bởi sự tăng trở lại của lượng khách du lịch vào một số thời điểm ở những tháng sắp tới”, ông Michael Kokalari nhấn mạnh
Cụ thể, VinaCapital dự báo Tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) ở Việt Nam sẽ tăng mạnh đạt đến 5%, tăng trưởng của các hoạt động xây dựng tăng 8% trong năm 2022.
Bên cạnh đó, đánh giá triển vọng của ngành du lịch Việt Nam, VinaCapital cho rằng thời điểm lượng khách du lịch Việt Nam tăng trở lại sẽ rõ ràng hơn sau Tết Nguyên đán, tức là vào đầu tháng 2 năm nay, nhưng triển vọng của ngành du lịch Việt Nam đã khá rõ ràng.
Đáng lưu ý, nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng được đánh giá là Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI chảy vào vẫn duy trì trạng thái khả quan trong 2 năm vừa qua mặc dù trải qua bùng phát Covid.
VinaCapital kỳ vọng lực chảy của dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ trong 2022, đặc biệt là khi các lệnh thắt chặt di chuyển đã được nới lỏng – tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà lãnh đạo quản lý từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước khác đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất dòng sản phẩm công nghệ cao vẫn sôi nổi đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, LG Display đã công bố khoản đầu tư theo kế hoạch 2,2 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp đôi tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam.
Hay như Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam cũng đã thông báo rằng họ sẽ nâng cấp lên 50% năng lực sản xuất ở Việt Nam cho các thiết bị có tính năng gập lại được, trong khi đó Toshiba cho biết họ sẽ chuyển toàn bộ sản xuất điện tử ở Trung Quốc sang Việt Nam và Nhật Bản.
Thông tin gần đây cũng cho biết tập đoàn LEGO sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy khai thác trung hòa Carbon.
>>>Standard Chartered: Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2022
>>>Tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025
Trước đó, ngoài VinaCapital, nhiều chuyên gia, tổ chức cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2022. Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trên 7%, thậm chí có thể quanh mức 8%.
“Tăng trưởng 2022 cao do chỉ phải so với nền thấp của năm 2021 và đặc biệt là các ngành như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI sẽ là động lực chính. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và cơ chế hộ chiếu vaccine được áp dụng sớm thì các ngành hàng không, du lịch, khách sạn sẽ có cơ hội tăng trưởng cao”, TS Nguyễn Đức Độ nhận định.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương còn nhận định, năm 2022 có thể là năm bản lề cho kinh tế Việt Nam bứt phá, bắt đầu một chu kỳ mới tăng trưởng cao trên 7% được một thời gian dài ít nhất 10 năm để có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
“Bối cảnh kinh tế toàn cầu sau cơn dịch COVID-19 hoàn toàn cho phép chúng ta kỳ vọng như vậy nếu chúng ta có thể giải phóng cho doanh nghiệp trong nước ra khỏi những cái khó chính sách tồn đọng để họ có lòng tin mạnh dạn đầu tư lâu dài hơn vào các lĩnh vực có giá trị xã hội cao hơn”, Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương phân tích.
Theo báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022, với GDP dự báo đạt 5,5%.
Còn theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%. Ngân hàng này cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 7% và nhận định Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
"Dịch COVID-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý 1 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ dàng hơn trong tháng 3 năm nay”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
19:30, 30/01/2022
11:00, 14/01/2022
10:58, 12/01/2022
10:00, 04/01/2022