Năm 2025 ngành điện sẽ phải đối diện với những yêu cầu đổi mới cấp thiết về giá điện và thị trường bán lẻ để thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%...
Trước xu hướng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu điện năng tăng cao, việc điều chỉnh thu hút đầu tư, chuyển đổi năng lượng, thiết lập mô hình giá điện hợp lý cùng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố cốt lõi để bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bởi đáp ứng xu hướng phát triển của nền kinh tế phải đảm bảo hài lợi ích của các bên tham gia, trong đó giá điện tiêu thụ là yếu tố đặc biệt quan trọng để ổn định sản xuất và thu hút đầu tư.
Nếu giá bán điện cao sẽ đè nặng lên doanh nghiệp và người dân, làm tăng giá thành sản xuất, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu và gia tăng lạm phát, có thể dẫn đến mất việc làm. Mặt khác hóa đơn điện leo thang đồng nghĩa với tình trạng "nghèo năng lượng", tức là không dám dùng điện cho các hoạt động thiết yếu.
Đối diện với những thực tế này, năm 2025 ngành năng lượng cần cấp thiết có những cách tiếp cận mới nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Thực hiện kế hoạch này trước tiên phải đổi mới mô hình giá điện, ngoài ra cần thiết lập ngay thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, mở ra cơ hội cho người sử dụng điện. Nếu có nhiều đơn vị bán lẻ điện cạnh tranh, giá điện sẽ được giảm đi, kết quả này sẽ đem lại lợi ích cho các bên tham gia gồm Nhà nước, doanh nghiêp và người sử dụng điện.
Giá điện tính chỉ dựa trên sản lượng kWh phát ra cho các nguồn điện hoặc Kwh tiêu thụ của khách hàng đầu cuối được xem không còn phù hợp thực tế. Bởi xu hướng sản lượng Kwh này sẽ bị biến động do các nguồn năng lượng tái tạo phát triển cả trước và sau công tơ, khiến các nhà máy điện và Công ty điện lực sẽ rơi vào tình trạng khó có thể duy trì để đảm bảo an ninh năng lượng.
Do đó để tạo đà cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cần một cơ chế giá điện cho phần nguồn phải đủ hấp dẫn để nhà đầu tư, đủ bù chi phí bỏ ra và có một phần lợi nhuận đầu tư, đặc biệt phải đảm bảo hệ thống điện có lượng nguồn điện dự phòng tối thiểu. Điều này đồng nghĩa với việc cần áp dụng giá hai thành phần gồm (giá công suất và giá phát năng lượng).
Trong đó giá công suất chỉ dựa trên chi phí vốn đầu tư ban đầu cho các nguồn điện dùng nhiên liệu để duy trì năng lực phát điện, ngay cả khi nhà máy không hoạt động hoặc nhằm đảm bảo có đủ nguồn dự phòng từ 10-15% công suất phát để đảm bảo an ninh năng lượng.
Nếu không có giá công suất riêng sẽ khó duy trì công suất dự phòng vì người đầu tư không được trả tiền nằm chờ và nguy cơ thiếu điện luôn hiện hữu. Mức dự phòng này cần được công bố công khai và được giám sát chặt hằng năm từ Chính phủ để tránh rủi ro thiếu điện. Đồng thời cần có chính sách phát triển năng lượng sạch được thiết kế linh hoạt, khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ điện thông qua các cơ chế thị trường, như mua bán trực tiếp hoặc tự sản tự tiêu.
Bước sang năm 2025, mặc dù đã có Luật Điện lực điều chỉnh được ban hành tạo khung pháp lý rõ ràng, nhưng tôi cho rằng chúng ta cần nhanh chóng tiến hành hoàn thiện các Nghị định để tiến đến một thị trường điện cạnh tranh bán lẻ đúng nghĩa.
Một tiếp cận mới quan trọng đó là trao quyền lựa chọn cho người sử dụng điện. Người dân và doanh nghiệp cần được tự do lựa chọn nhà cung cấp điện với sự hình thành thêm nhiều đơn vị bán lẻ điện “không nắm lưới”. Bởi khi có nhiều đơn vị bán lẻ hình thành, họ được quyền mua điện trực tiếp, mua qua thị trường giao ngay hoặc cũng có thể tự đầu tư phát điện để tự thiết lập giá điện cấp cho khách hàng của mình cạnh tranh giá điện với các đơn vị bán lẻ khác.
Chỉ có hành động thay đổi đơn vị cấp điện khác của người dùng điện đầu cuối mới là động lực cho các đơn vị điện lực trong chuỗi cung ứng điện sẽ phải nỗ lực thay đổi. Như vậy với cách tiếp cận này, ngoài mục tiêu tăng sự lựa chọn của khách hàng nói trên, sẽ giải quyết được rất nhiều mục tiêu khác đang đặt ra như dễ dàng áp dụng giá điện hai thành phần ở khâu bán lẻ bởi vì các đơn vị bán lẻ theo khu vực đều trả giá điện cố định như nhau.
Làm tốt điều này có thể giải quyết được mục tiêu giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng như Quốc hội đã đề cập, qua đó các nhóm khách hàng như công nghiệp, thương mại... sẽ tự động tách nhóm theo đơn vị bán lẻ mới khi thị trường được mở ra.